Mua bán online ngày càng trở nên phổ biến khiến một số đối tượng lợi dụng nền tảng TMĐT, kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, thậm chí cả hàng cấm. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Trong vài năm trở lại đây, tốc độ phát triển TMĐT rất nhanh, đi kèm với đó là các hành vi gian lận thương mại ngày càng gia tăng. Phổ biến đến mức, hiện nay, các giao dịch thương mại không chỉ thực hiện trên các sàn TMĐT thông thường mà đã lan sang mạng xã hội… Không chỉ vậy, năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các dịch vụ đi kèm TMĐT rất phát triển, nên kho hàng có thể nằm bất kể ở đâu, thậm chí nằm ở những địa bàn chiến lược, như là sát cửa khẩu biên giới. Các dịch vụ hậu cần chuyển phát, thanh toán rất hiện đại, nên hàng hóa được luân chuyển, vận chuyển trong nội địa rất nhanh. Điều này khiến công tác chống gian lận thương mại, buôn lậu, đặc biệt hàng giả trên mạng lại càng khó khăn.
Nhận diện bối cảnh đó, ngay từ đầu năm 2020, Tổng cục QLTT đã lập một bộ phận đặc nhiệm chuyên trách riêng trong công tác này. Qua nắm bắt thông tin và những biện pháp nghiệp vụ, năm 2020, QLTT đã tấn công, xử lý một số đường dây, ổ nhóm quy mô lớn trên môi trường internet, đặc biệt là mô hình kinh doanh mới, như trên các mạng xã hội, bán hàng đa kênh livestream (phát trực tiếp). Điển hình như vụ triệt phá, xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu, TP. Lào Cai vào tháng 7/2020. Cũng trong năm 2020, lực lượng đã kiểm tra, xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến bán khẩu trang, nước rửa tay lậu, kém chất lượng trên mạng xã hội ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Hà Nội.
Chính việc tấn công và xử lý dứt điểm một vài đường dây, ổ nhóm này đã tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng trên mạng, đặc biệt là cảnh tỉnh cho những đối tượng đang có ý định tiếp tục sử dụng mạng xã hội, internet là nơi công cụ kinh doanh.
Mặc dù vậy nhưng các hành vi gian lận thương mại trên mạng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Dường như các biện pháp vẫn chưa đủ sức răn đe, thưa ông?
Chúng tôi xác định, phải có kế hoạch chuyên nghiệp, bài bản hơn. Hiện, lực lượng đã kiến nghị, tham mưu các đơn vị trong Bộ Công Thương chuẩn bị trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT. Nghị định thay thế sẽ đặt ra những cách thức quản lý mới.
Thứ nhất, phải coi và đối xử bình đẳng giữa TMĐT và thương mại truyền thống. Trên môi trường thương mại truyền thống, chúng ta quy định hàng hóa khi muốn trao đổi, mua bán, phải tuân thủ những yếu tố gì thì bây giờ sẽ quy định như vậy trên môi trường internet. Trong bản dự thảo nghị định sửa đổi này, tôi thấy đã có sự bình đẳng giữa TMĐT và thương mại truyền thống.
Thứ hai, các mô hình TMĐT sẽ được đưa vào quản lý một cách chặt chẽ hơn, quy định trách nhiệm của chủ thể tham gia các sàn giao dịch TMĐT. Trước đây chúng ta chưa quy định trách nhiệm của người quản lý sàn giao dịch TMĐT, mà chủ yếu xoay quanh người bán hàng.
Thứ ba, các dịch vụ liên quan như hỗ trợ cho thanh toán điện tử, dịch vụ vận chuyển trong thời gian gần đây là một trong những yếu tố làm cho TMĐT bùng nổ, sẽ được đưa vào trong nghị định này.
Tôi nghĩ rằng, thay đổi về chính sách là rất quan trọng, cần phải đi đầu. Kỳ vọng, trong năm 2021, Nghị định thay thế Nghị định 52/2013 sẽ được Chính phủ ký ban hành và có hiệu lực. Đây là thay đổi rất quan trọng đối với môi trường phát triển TMĐT.
Bên cạnh việc thay đổi chính sách, xin ông cho biết về những giải pháp cụ thể của Tổng cục để kiểm soát tình trạng hàng giả, hàng nhái trên TMĐT trong năm 2021?
Dự báo, 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên TMĐT sẽ chiếm khoảng 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Vì vậy, trong giai đoạn tới, Tổng cục tiếp tục tập trung vào TMĐT. Hiện, Tổng cục đang xây dựng kế hoạch tổng thể để lực lượng đủ năng lực phòng chống, ngăn chặn gian lận thương mại trên TMĐT. Bên cạnh đó, thành lập bộ phận chuyên trách chính thức của lực lượng QLTT chuyên phòng, chống hành vi gian lận thương mại trên TMĐT.
Mặt khác sẽ kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, liên tục kiểm tra các chủ thể, chủ sàn tham gia giao dịch TMĐT, trên nền tảng mạng xã hội… Cùng với đó nâng cao năng lực, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức lực lượng QLTT; đổi mới trang thiết bị, công nghệ tiên tiến để bắt kịp với tốc độ phát triển của TMĐT.
Xin cảm ơn ông!