Cần những đột phá để Khánh Hòa thực sự là cực tăng trưởng Duyên hải Nam Trung Bộ
Định vị trung tâm du lịch biển quốc gia
Nhằm định hướng cho phát triển cho tỉnh Khánh Hòa, ngày 24/12/2012, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận số 53-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Kết luận số 53-KL/TW), với nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện phương hướng, mục tiêu phát triển tỉnh Khánh Hòa là: “Đồng ý chủ trương phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, trong đó thành phố Nha Trang là hạt nhân; là trung tâm kinh tế - du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và của cả nước; có quốc phòng, an ninh vững mạnh, chính trị - xã hội ổn định, vững chắc; có hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện”.
Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, Khánh Hòa đã vươn lên trở thành một trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế |
Sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, bằng sự nỗ lực là chính, tranh thủ được sự hỗ trợ, giúp đỡ các các Bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp của các địa phương trong cả nước, Khánh Hoà đã khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, đạt một số chỉ tiêu đặt ra, trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.
Tăng trưởng kinh tế đạt mức khá; lấy kinh tế biển là nền tảng, quy mô kinh tế tỉnh đã tăng 1,76 lần so với năm 2011 và GRDP bình quân đầu người đạt 70,07 triệu đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2011. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thu ngân sách tăng nhanh, bảo đảm tự cân đối ngân sách địa phương, có điều tiết về ngân sách trung ương. Hệ thống đô thị ven biển được hình thành, tỷ lệ đô thị hoá đạt mức cao. Phát triển văn hóa, xã hội; giáo dục và đào tạo; công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân đạt được nhiều tiến bộ; tỷ lệ hộ nghèo đạt mức thấp. Phát triển kinh tế - xã hội được kết hợp chặt chẽ với tăng cường quốc phòng, an ninh; chủ quyền biển đảo của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm thực hiện; hoạt động của bộ máy hành chính được đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Sở hữu nhiều vịnh đẹp, chiều dài bờ biển hơn 200km, thềm lục địa và vùng lãnh hải rộng lớn với gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về quốc phòng và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước..., tỉnh Khánh Hòa có vị trí địa quân sự khá đặc biệt về quốc phòng và an ninh, có tiềm năng rất lớn để phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, tạo động lực cho sự phát triển của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước.
Cần những đột phá để Khánh Hòa trở thành cực tăng trưởng, trung tâm của vùng Duyên hải Nam Trung bộ
Mặc dù đã đạt được những kết quả vượt trội, tuy nhiên, kết quả đó vẫn chưa xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa tạo ra sự đột phá cho phát triển của Khánh Hòa.
Khánh Hòa chưa đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; chưa thực sự là động lực phát triển của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Quy mô kinh tế còn khá nhỏ, sức chống chịu không cao, tăng trưởng chưa bền vững. Cơ cấu kinh tế thiếu cân bằng, nguồn thu ngân sách chưa ổn định. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Phát triển văn hoá - xã hội còn bất cập. Thu nhập bình quân đầu người thấp; nguy cơ tái nghèo cao, nhất là tại những huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số. An ninh tuyến biển và một số địa bàn trọng điểm còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn có mặt hạn chế, hiệu lực quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, ở một số giai đoạn còn yếu kém và khuyết điểm… và đây chính là lực cản khiến cho Khánh Hòa khó có thể bứt phá trong thời gian tới.
Để khắc phục những hạn chế, phát huy những tiềm năng, Khánh Hòa cần những chủ trương, chính sách mới để địa phương tạo sự bứt phá trở thành cực tăng trưởng, trung tâm của vùng Duyên hải Nam Trung bộ |
Đứng trước nhiều cơ hội như giữ vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội, công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ trong tiểu vùng đô thị hóa Nam Trung bộ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; Là một trong 07 khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch quốc gia; là trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Nam Trung Bộ và Trường Sa; Khu vực vịnh Cam Ranh đang được đầu tư phát triển thành trung tâm hậu cần, cung cấp dịch vụ hàng hải cho các tàu quân sự, tàu du lịch của các quốc gia…Khánh Hòa cần những định hướng, chủ trương, chính sách mới để khắc phục các hạn chế và tận dụng được những cơ hội.
Do đó, thông qua việc tổng kết Kết luận số 53-KL/TW tại Hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 31/12 do Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức, Khánh Hòa mong muốn có sự quan tâm của Trung ương thông qua việc ban hành những chủ trương, chính sách mới cho Khánh Hoà để có sự bứt phá trong giai đoạn sắp tới; vừa phấn đấu để không chỉ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững mà phải trở thành cực tăng trưởng, trung tâm của vùng Duyên hải Nam Trung bộ, sớm đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.