Mặt hàng tồn chủ yếu (chiếm tới 80 - 90%) tại các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc là hàng nông sản và thủy sản. Ảnh: TTXVN. |
“Tiến không được, về không thông”
Đại diện một số doanh nghiệp có lô hàng đang chờ xuất khẩu ở cửa khẩu biên giới tỉnh Lạng Sơn than thở: “Tiến không được, về không thông. Trong vòng 10 ngày nữa, tình hình thông quan không cải thiện, hàng nông sản sẽ hỏng hàng loạt". Hiện tỉnh Quảng Ninh chỉ còn cửa khẩu Hoành Mô thông quan hàng hóa sang Quảng Tây, Trung Quốc được từ 10 đến 20 xe/ngày. Tại Lạng Sơn, tình hình thông quan chỉ diễn ra ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Chi Ma, nhưng số xe thông quan được rất ít. Nếu như ở Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, các cửa khẩu đóng toàn bộ, thì cửa khẩu Tà Lùng tại Cao Bằng, lượng xe thông quan rất hiếm hoi.
Tại tỉnh Quảng Ninh, tính đến ngày 27/12, lượng hàng chờ làm thủ tục xuất khẩu trên địa bàn là 1.575 container, tập trung chủ yếu tại thành phố Móng Cái với 1.565 container. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu có phần do những điểm yếu cố hữu: Sản xuất nông nghiệp không theo tín hiệu, nhu cầu thị trường, xuất khẩu chủ yếu qua tiểu ngạch, không xuất khẩu chính ngạch.
“Tình trạng ùn ứ nông sản Việt Nam ở các cửa khẩu Trung Quốc đã xảy ra nhiều lần do nhiều lý do nhưng lần này có lẽ khó khăn nhất”, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết. Theo ông Lê Minh Hoan, Trung Quốc hiện vẫn là nước nhập khẩu nông sản Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất. Những quy định mới của Trung Quốc về kiểm định hàng hóa thông quan, nhất là trong điều kiện dịch bệnh, Xe chở hàng nông sản, thủy sản chờ thông quan tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). ngày càng chặt chẽ khiến thời gian kéo dài, trong khi Việt Nam còn bị động vì thiếu hạ tầng hỗ trợ.
Xuất khẩu tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế 11 tháng năm 2021, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đạt 1,69 tỷ USD, tăng 18,3% so với 11 tháng năm 2020. Tuy nhiên, tình hình thông quan giữa 2 bên từ tháng 12/2021 đến nay gặp vô vàn khó khăn.
Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch qua địa bàn tỉnh rất thấp; kim ngạch xuất khẩu chính ngạch chỉ chiếm 3% nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc áp dụng miễn thuế nhập khẩu đối với cư dân biên giới khi nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, mỗi người là 8.000 NDT/ngày (khoảng 28,7 triệu đồng) nên các doanh nghiệp phía Việt Nam và Trung Quốc không mặn mà nhập khẩu chính ngạch. Thay vào đó họ nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, phía Trung Quốc sẽ gom các lô hàng nhỏ thành lô hàng lớn để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ”, ông Vy Công Tường cho biết. Việc nhập khẩu tiểu ngạch vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, thì tình trạng ùn tắc hàng hóa mỗi mùa thu hoạch, hay khi Trung Quốc có chính sách bất thường sẽ lại xảy ra.
Đa dạng hoá thị trường tiêu thụ
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Trong Đề án Bộ NN&PTNT đang dự thảo, xuất khẩu nông sản sẽ được đa dạng hóa thị trường dựa trên lợi thế từ các hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EVFTA), Anh (UKVFTA)…
Riêng với thị trường Trung Quốc, Việt Nam cũng sẽ có đề án riêng, trong đó tiếp tục đàm phán mở rộng cho các loại nông sản xuất khẩu chính ngạch; đầu tư hạ tầng logistics ở các cửa khẩu như: kho trữ lạnh, chế biến, đóng gói, bao bì nhãn hiệu. “Thị trường nội địa với gần 100 triệu người tiêu dùng cũng phải được chú trọng.
Bộ NN&PTNT đã vận động thành lập các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội những doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội những hệ thống phân phối trong nước. Tất cả sẽ được kích hoạt vừa tổ chức thị trường trong nước tốt hơn, từ chuẩn hóa mã số vùng trồng, vùng nuôi, quảng bá, xúc tiến thương mại, hạ tầng logistics… Ngoài ra, sẽ kiến nghị ban hành cơ chế khuyến các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, thay vì chỉ xuất khẩu nông sản thô, vừa tạo ra giá trị gia tăng cao, vừa hạn chế rủi ro khi đứt gãy chuỗi cung ứng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ trên nền tảng Internet và mạng viễn thông để thúc đẩy xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến, giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử để tìm kiếm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa
trong nước và sang các thị trường tiềm năng khác.
Để phát triển xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu
Phi (Bộ Công Thương) cho biết: Các địa phương cần phải tổ chức lại sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, nhất là việc truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch.
Ngoài ra, việc tăng cường xuất khẩu, vận chuyển sang Trung Quốc bằng đường biển rất hiệu quả, tránh được rất nhiều rủi ro. Các chuyên gia thương mại cũng cho rằng: Bộ NN&PTNT cần tích cực đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng để tăng thêm số lượng trái cây được chính thức xuất khẩu vào Trung Quốc cũng như các thị trường khác; đẩy nhanh đàm phán các nghị định thư cần thiết với Trung Quốc để giảm tỷ lệ nông sản Việt Nam phải qua kiểm tra khi xuất khẩu vào thị trường này.
Đề nghị hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) hỗ trợ thông quan nhanh nông sản Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Vũ Tuấn Bình vừa đề nghị Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) ưu tiên thủ tục hải quan đối với hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt những lô hàng đã được kiểm nghiệm, kiểm dịch của Trung Quốc (CCIC). Lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn đề nghị Hải quan Nam Ninh kịp thời trao đổi, cập nhật những chính sách mới liên quan tới lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ năm 2022 (nếu có) để phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan và kiểm soát chống buôn lậu của Hải quan Việt Nam |
Ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương): Bộ Công Thương đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương có vùng trồng phải chủ động xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động tiêu thụ nội địa, góp phần giảm hàng hóa đưa lên cửa khẩu. Thực tế tiêu thụ nông sản trong đợt dịch vừa qua cho thấy, với những địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Sơn La, dù thu hoạch đúng vào mùa dịch nhưng nếu đã xây dựng kịch bản chương trình ngay từ đầu mùa vụ, việc tiêu thụ hết nông sản không khó. Thị trường nội địa tiêu thụ rất tốt. Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV (HĐ tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ): Các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải đa dạng hóa các loại hình vận tải; giảm sự phụ thuộc vào một thị trường truyền thống; nâng cao năng lực chế biến sâu và bảo quản lạnh ngay từ trong nội địa; cải thiện năng lực logsitics của các tỉnh giáp biên. Song song với các biện pháp cấp bách trước mắt, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đẩy mạnh các hội nghị xúc tiến thương mại để doanh nghiệp giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường truyền thống. Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Về lâu dài, phải tính đến sản xuất kinh doanh trong nước; phải quy hoạch phát triển hàng hóa theo quy hoạch thống nhất. Đặc biệt, phải tổ chức kết hợp doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp lưu thông, xuất khẩu thành một chuỗi sản xuất kinh doanh, phát huy hiệu quả hoạt động xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ NN&PTNT, các địa phương cần phát triển mạnh công nghiệp chế biến chế tạo. Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), các doanh nghiệp cần tận dụng để đa dang hóa thị trường xuất khẩu. |