Cà Mau sẽ công nhận ít nhất 30 sản phẩm OCOP 3-4 sao trong năm 2022
Theo UBND tỉnh Cà Mau, năm 2021 vừa qua tỉnh này có 44 sản phẩm của 25 chủ thể được công nhận, chứng nhận OCOP, vượt 47% so với chỉ tiêu kế hoạch so với năm 2020, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh hiện nay lên 77 sản phẩm, trong đó có 3 sản phẩm 4 sao.
Đáng chú ý, trong 44 số sản phẩm được công nhận, chứng nhận OCOP năm 2011 thì có tới 35 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm. Số còn lại thuộc ngành đồ uống, thủ công mỹ nghệ, trang trí, vải và may mặc. Đặc biệt, đã có 29 sản phẩm của 16 chủ thể được đưa vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá, trong đó có 3 sản phẩm của 1 chủ thể OCOP (Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Xây dựng Phúc Thịnh) bước đầu xuất khẩu qua thị trường Úc, Canada và Singapore.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Cà Mau, trong năm 2022 Cà Mau sẽ đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ 77 sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm; phấn đấu phát triển mới và tiêu chuẩn hoá ít nhất 40 sẩn phẩm; công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt 3-4 sao; nâng hạng ít nhất 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao; phát triển, nâng cấp ít nhất 28-30 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP.
Bên cạnh những thuận lợi kể trên, theo các doanh nghiệp, chủ thể tham gia OCOP họ đang gặp một số khó khăn như: Nhiều sản phẩm sau khi được công nhận vẫn bí đầu ra, giá bán sản phẩm không cao hơn so với lúc chưa công nhận (dù chi phí để sản xuất cao hơn trước đó)…. Ngoài ra, quy trình công nhận lại OCOP sau khi hết hạn được cấp công nhận, hồ sơ OCOP có quá nhiều thành phần - dẫn tới rất khó thực hiện; chủ thể có sản phẩm đã được chứng nhận 3 sao OCOP muốn đăng ký nâng lên 4 sao phải có chứng nhận HACCP thì mới nâng hạng được...
Trước khó khăn của doanh nghiệp, chủ thể tham gia chương trình, tại hội nghị công bố sản phẩm OCOP năm 2021, triển khai kế hoạch chương trình OCOP năm 2022 được UBND tỉnh tổ chức mới đây, ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã đề nghị, các đơn vị trong tỉnh trong thời gian tới triển khai thực hiện chương trình OCOP phải có trọng tâm, trọng điểm; đối với các sản phẩm đã được công nhận cần phải tiếp tục có các giải pháp tiêu chuẩn hóa, phát triển, nâng cao chất lượng để nâng hạng và tạo dựng uy tín trên thị trường. Đồng thời, hỗ trợ chủ thể tiếp cận tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý chất lượng tiên tiến, chuyển đổi số... để họ nâng cao năng lực, phát triển sản phẩm OCOP...