Cà Mau: Đưa chủ trương, chính sách pháp luật đến gần hơn với đồng bào dân tộc thiểu số
Theo Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện có 32 dân tộc thiểu số, với trên 48 ngàn người. Trong đó, dân tộc Khmer chiếm đông nhất, với khoảng 39 ngàn người.
Đồng bào dân tộc Khmer gặp gỡ, trao đổi thông tin về các vấn đề đời sống. Ảnh Cổng TTĐT Cà Mau |
Những năm qua, bên cạnh công tác hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp, các ngành thực hiện thường xuyên, liên tục.
Thông qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tín ngưỡng, lễ hội, các cấp, các ngành, các địa phương lồng ghép tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số.
Chẳng hạn tại huyện U Minh, theo ông Danh Hoài Ril, Trưởng Ban quản trị Salatel ấp 6, xã Khánh Hòa, Ban quản trị Salatel ấp 6, xã Khánh Hòa cùng chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số của nhà nước, của địa phương.
Ngoài ra, Ban quản trị cũng vận động bà con đồng bào dân tộc Khmer, phật tử thực hiện các mô hình kinh tế thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Trong đó, chú trọng phát triển giáo dục cho thế hệ trẻ; phát huy, bảo tồn bản sắc và các giá trị văn hóa của dân tộc.
Tương tự, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, Ban quản trị chùa Rạch Cui, xã Khánh Bình Đông cho biết, xác định việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer và đồng bào phật tử là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Do vậy Ban quản trị chùa chú trọng về nội dung, tuyên truyền phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước và địa phương.
“Các sư, chức sắc là một trong những tuyên truyền viên hiệu quả. Thường thì chúng tôi tổ chức tuyên truyền bằng hình thức trực tiếp tại chùa, vì mỗi đồng bào phật tử, bà con người dân tộc Khmer xem chùa là niềm tin, là nơi hay lui tới để cúng viếng”- đại diện Ban quản trị chùa Rạch Cui cho biết thêm.
Ở nhiều địa phương khác, thông qua hoạt động của các dịp lễ, tết, các chùa, địa phương đã kết hợp thông báo, tuyên truyền chính sách, pháp luật đến bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Và điều đáng mừng là ngày nay, đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn đã nhận thức rõ những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật và những định hướng phát triển của nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Được biết, Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, ngoài đồng bào dân tộc Hoa, cộng đồng các dân tộc thiểu số còn lại sống tập trung chủ yếu tại vùng nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, nhờ vào sự chăm lo của các cấp ủy Đảng và chính quyền, sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên nên đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện, nâng cao. Tình hình sản xuất, kinh tế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản được ổn định. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần và nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên và ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.