Thứ hai 25/11/2024 13:11

Bừng sáng vùng biển, đảo

Nhờ những quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về việc đưa điện đến vùng hải đảo, đến nay, các huyện đảo của cả nước đã có sự thay đổi toàn diện, mở ra trang mới phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn.

Từ quyết sách chiến lược

Khu vực biển đảo của Việt Nam không chỉ có nhiều tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ và kinh tế biển, mà còn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, do điều kiện nguồn lực đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, trong đó có điện, nước…, nên trong một thời gian dài trước năm 2013, khu vực biển đảo không thể phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, hệ thống điện chủ yếu được cung cấp bởi các trạm diesel nhỏ lẻ, công suất thấp, điện áp không ổn định, giá cao, chỉ đủ phục vụ một phần sinh hoạt của người dân.

Cấp điện bằng hệ thống năng lượng mặt trời trên quần đảo Trường Sa

Xác định khu vực biển đảo có vai trò rất quan trọng phát triển kinh tế cũng như bảo vệ chủ quyền quốc gia; đồng thời, thực hiện chủ trương công bằng, bình đẳng cho mọi người dân, thời gian qua, Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, chương trình nhằm tạo điều kiện cho các huyện đảo, xã đảo phát triển kinh tế - xã hội như: Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” (khóa X); Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo các giai đoạn…; trong đó có đầu tư hạ tầng điện cho khu vực hải đảo.

Thực hiện các chỉ đạo nêu trên, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, suất đầu tư cao, điều kiện thi công gặp khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay, hạ tầng lưới điện tại khu vực hải đảo đã cơ bản hoàn thiện, tạo bệ phóng, động lực cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng và bảo vệ chủ quyền biên giới hải đảo, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến nay, EVN đã hoàn thành tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo, 82/85 xã đảo trên cả nước. Không chỉ được cấp điện an toàn, liên tục, các khách hàng tại khu vực hải đảo còn được hưởng mọi cơ chế, chính sách về giá điện, các dịch vụ điện bình đẳng như khách hàng tại đất liền. Đặc biệt, từ ngày 1/8/2017, EVN chính thức tiếp nhận, quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành để toàn bộ hệ thống điện trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 hoạt động liên tục, ổn định. Bên cạnh đó, EVN còn có nhiều hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội trên các huyện đảo, xã đảo của tổ quốc.

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành khẳng định, việc cung ứng điện tại các huyện đảo trên cả nước luôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng được EVN chú trọng thực hiện. Tập đoàn tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo điện ổn định, liên tục, tin cậy trên các huyện đảo, với mục tiêu không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển đảo, nâng cao chất lượng đời sống người dân, mà trên hết, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.

Đến hiệu quả kinh tế - xã hội

Có thể nói, từ chỗ chưa có điện, hoặc chỉ được cấp điện vài giờ mỗi ngày, các huyện đảo đã được cung ứng điện 24/24h với chất lượng ổn định. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực biển đảo.

Thực hiện cấp điện cho khu vực hải đảo

Chỉ sau chưa đầy một thập kỷ kể từ khi có điện, các huyện đảo đã có sự thay đổi toàn diện nhờ thu hút đầu tư, phát triển các dự án du lịch, bất động sản, hạ tầng hậu cần nghề cá, phát triển sản xuất, chế biến nông ngư nghiệp, tăng sản lượng hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đơn cử như huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), trước khi có điện, kinh tế ngư nghiệp không phát triển; lượng khách du lịch chỉ đạt 30.000 lượt/năm (2012), dịch vụ du lịch, thương mại bị hạn chế. Thế nhưng đến hết năm 2019, (trước dịch Covid-19), Cô Tô đã đón gần 300.000 lượt khách, gần gấp 10 lần trước kia; hạ tầng du lịch (cơ sở lưu trú, ăn uống…) và các dịch vụ khác đã được đầu tư mạnh mẽ, đáp ứng đủ nhu cầu của du khách. Điều quan trọng nhất là giúp đời sống người dân được cải thiện về mọi mặt, kinh tế đạt được những bước phát triển quan trọng. Thu nhập bình quân của người dân Cô Tô đạt 4.500 USD/năm, cao hơn mức chung của cả nước hơn 1.000 USD.

Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), trước khi được kéo điện lưới (trước năm 2013), lượng khách tới đảo hàng năm chỉ dưới 10.000 người thì đến năm 2019 đã tăng gấp khoảng 23 lần. Các cơ sở lưu trú phát triển hiện đại có thể đáp ứng được 1.000 khách trong một ngày. Nông nghiệp (chủ yếu sản xuất hành tỏi) cũng đã có bước phát triển vượt bậc nhờ áp dụng công nghệ tự động trong tưới tiêu, bảo quản. Dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo phát triển từ việc sửa chữa tàu đánh cá, cung cấp dịch vụ muối, nước đá, thực phẩm khi ra khơi đến bảo quản, vận chuyển thủy - hải sản. Lãnh đạo huyện đảo khẳng định, điện thực sự là đòn bẩy để các ngành sản xuất ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển, minh chứng qua tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đảo đạt từ 15 - 16%/năm.

Một minh chứng khác về hiệu quả của việc kéo điện ra đảo đó là Phú Quốc (Kiên Giang). Từ một hòn đảo hoang sơ, nghèo nàn, đến nay, Phú Quốc đã trở thành điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Báo cáo của tỉnh Kiên Giang cho thấy, thu ngân sách giai đoạn 2015 - 2020 của huyện đảo đạt hơn 20.600 tỷ đồng, đứng đầu toàn tỉnh Kiên Giang; thu nhập bình quân đầu người đạt 113 triệu/người/năm, tương đương 5.000 USD; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm chỉ còn 0,38%, thấp nhất so với các huyện, thành phố trong tỉnh Kiên Giang và cả nước.

Việc đưa điện ra khu vực biển đảo đã góp phần quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như nông thôn mới, điện khí hóa nông thôn, xóa đói, giảm nghèo... Cụ thể, tỷ lệ các hộ gia đình có điện tăng từ 2,5% vào năm 1975 lên tới 99,53% vào năm 2019 (bao gồm cả thành thị và nông thôn). Việt Nam đã thành công cung cấp điện cho hơn 17 triệu hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tại khu vực nông thôn, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện tính đến 31/12/2019 đạt 99,26%; chỉ còn khoảng 0,74% số hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận điện. Đây là một kỳ tích đã được các tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận.

Việc đưa điện ra khu vực biển đảo là quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, không chỉ tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia. Quan trọng hơn, chương trình đã củng cố vững chắc và tiếp thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước trên con đường đưa đất nước phát triển, hội nhập với nền kinh tế quốc tế.
Đình Dũng

Tin cùng chuyên mục

TKV thực hiện nhiều chính sách thu hút lao động trong năm 2022

EVNNPC: Đồng hành cùng khách hàng vượt khó

Công ty Cổ phần Than Hà Lầm: Đặt quyền lợi người lao động ở vị trí trung tâm

Than Núi Béo khai thác tấn than hầm lò thứ 1 triệu

Đảng ủy Than Quảng Ninh tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo

“Xanh hóa” môi trường vùng than

“Kỷ luật và Đồng tâm” là sức mạnh nội sinh của TKV và vùng mỏ

TKV tổ chức Hội thao Kỹ thuật cấp cứu mỏ bán chuyên năm 2021

Than Quang Hanh tọa đàm trao đổi kinh nghiệm công tác điều hành sản xuất

Quảng Ninh và ngành Than phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số

TKV tổ chức triển lãm và trao giải cuộc thi ảnh “Nụ cười Than - Khoáng sản Việt Nam”

Công đoàn TKV: Tích cực chăm lo đời sống người lao động

Sáng kiến giúp nâng cao năng suất ở Than Hạ Long

EVN giúp Quảng Trị hiện thực hóa giấc mơ điện gió

TKV: Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh

Ngành than: Thiết lập “lá chắn” phòng Covid-19

Công đoàn TKV hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị 9 tháng đầu năm 2021

Hiệu quả từ việc gắn công tác xây dựng Đảng với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh

Nữ công nhân tận tụy, yêu nghề

Công nhân lao động TKV tham gia thi viết về công tác dân tộc, tôn giáo