Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp ngành logistics phát triển
Tạo môi trường thuận lợi cho ngành logistics
Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, hiện nay, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng đang nỗ lực chuyển đổi phương thức hoạt động, tích cực chuyển đổi số, tăng cường đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo phát triển nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với điều kiện mới và yêu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu bế mạc diễn đàn |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ; sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của các Bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
Cụ thể, ngành logistics Việt Nam duy trì mức tăng trưởng 2 con số, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nâng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2021 vượt mốc 660 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. “Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19” - Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém nổi lên của ngành logistics Việt Nam, đặc biệt, trong năm 2021 dưới tác động của đại dịch Covid-19, như: Chi phí dịch vụ logistics còn khá cao; thiếu sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, năng lực cạnh tranh còn thấp, việc tiến ra thị trường nước ngoài chưa đáng kể; nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics thiếu cả về số lượng, chất lượng và tính chuyên nghiệp...
Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ rõ, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên có cả khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động dịch vụ logistics chưa đầy đủ, đồng bộ; cơ sở hạ tầng phục vụ logistics tuy đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp nhưng còn thiếu tính kết nối và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Hầu hết các doanh nghiệp logistics có quy mô nhỏ cả về lao động, tài chính, kinh nghiệm hoạt động, chưa vươn ra được thị trường logistics quốc tế; việc chuyển đổi số trong các khâu của logistics còn hạn chế, chưa bắt kịp xu thế quốc tế, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; việc đào tạo chuyên sâu về logistics tại các cơ sở đào tạo chưa được quan tâm đúng mức; quy mô đào tạo chính quy dài hạn và đào tạo ngắn hạn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực logistics của doanh nghiệp.
Triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm
Để ngành dịch vụ logistics Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, bắt kịp với xu thế của quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, diễn đàn đã thảo luận và thống nhất tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thể chế, nhất là việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng về kinh tế đối ngoại để hoàn thiện các cơ chế chính sách và quy định pháp luật về logistics, bảo đảm phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ và môi trường kinh doanh thông thoáng nhằm khuyến khích các công ty logistics trong nước nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau và với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương trao bằng khen cho cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phát triển dịch vụ logistics |
Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng Công nghệ lần thứ 4 trong lĩnh vực logistics nhằm thúc đẩy tự động hóa tối đa các quy trình hoạt động, giúp hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu suất và cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng trong điều kiện nhân lực hạn chế và thị trường có nhiều biến động.
Thứ ba, triển khai các giải pháp nhằm phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, kho bãi; kết nối các phương thức vận tải; xúc tiến thành lập các khu thương mại tự do, tạo điều kiện cho các địa phương có lợi thế phát triển thành các trung tâm dịch vụ logistics lớn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu, đồng thời đóng vai trò kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế nhằm quản lý thống nhất chất lượng hàng hóa, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam.
Thứ tư, tập trung phát triển nguồn nhân lực logistics, nhất là nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc gia, khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo giữa Việt Nam với các nước, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các quốc gia phát triển, có thế mạnh trong đào tạo nhân lực ngành logistics để đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước và đội ngũ giảng viên giảng dạy có chất lượng cao phục vụ công tác đào tạo nhân lực logistics trong nước.
Đồng thời, tích cực phát huy vai trò của Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam trong việc làm cầu nối giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trong việc phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo và đào tạo lại nhân lực logistics, bảo đảm phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và sự phát triển chung của ngành logistics.
Thứ năm, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về giảm chi phí, nâng cao hiệu quả logistics đã được đề ra tại các Quyết định 200/QĐ-TTg và Quyết định 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động logistics theo hướng giảm thiểu thủ tục kiểm tra tại khâu nhập khẩu, tăng cường hậu kiểm và minh bạch trong vấn đề thủ tục hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành logistics Việt Nam phát triển.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng thống nhất kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, tham mưu kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự phù hợp cho bộ phận đầu mối giúp việc Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia (Ủy ban 1899) để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ điều phối và phát triển logistics quốc gia, phát huy mạnh mẽ hiệu lực, hiệu quả của cơ chế phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương, kịp thời tái cơ cấu chuỗi cung ứng, dịch vụ logistics trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng sàn giao dịch các dịch vụ logistics để tập trung các công ty cung cấp dịch vụ logistics, hạ tầng logistics và cơ quan chuyên ngành, góp phần tiết giảm chi phí, tăng tính hiệu quả của nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, với trách nhiệm là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics trong nước và quốc tế để báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics tiếp tục đổi mới và phát triển nhanh, bền vững.
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021, Bộ Công Thương đã công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2021 và trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2020 - 2021. |