Thứ tư 01/01/2025 23:31

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra với sản phẩm thép nhập khẩu

Ngày 19/4, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra theo quy định tại Mục 232 Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 (19 U.S.C 1862) nhằm xác định sản phẩm thép có đang nhập khẩu vào Hoa Kỳ với số lượng hoặc trong hoàn cảnh mà làm suy yếu an ninh quốc gia (national security) của Hoa Kỳ hay không.

Mục 232 Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 của Hoa Kỳ quy định về việc Tổng thống Hoa Kỳ có thể áp dụng biện pháp hạn chế đối với hàng nhập khẩu (restrictions on imports) vì lý do an ninh quốc gia. Mặc dù có một số điểm tương đồng, nhưng khác với vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ, trong vụ việc điều tra theo mục 232, bên cạnh việc đánh giá, xem xét các yếu tố về lượng nhập khẩu, tác động tới ngành sản xuất nội địa, thiệt hại của ngành sản xuất nội địa… (tương tự trong một vụ việc điều tra tự vệ thông thường), cơ quan điều tra còn cần xem xét, đánh giá tác động ảnh hưởng của hàng nhập khẩu đó tới an ninh quốc gia.

Mục 232 Đạo luật mở rộng thương mại 1962 là một công cụ pháp luật hiếm khi được Hoa Kỳ sử dụng, số vụ việc trong quá khứ cũng rất ít, và hầu hết các vụ việc điều tra theo quy định tại mục 232 đều có kết luận là không áp dụng biện pháp. Vụ việc điều tra theo quy định tại mục 232 gần đây nhất của Hoa Kỳ là với quặng sắt hoặc các sản phẩm thép bán thành phẩm vào năm 2001, trong vụ việc này, DOC đã kết luận rằng không có chứng cứ chứng tỏ rằng sản phẩm bị điều tra đe dọa đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Lần gần nhất Hoa Kỳ áp dụng biện pháp theo Mục 232 là vào năm 1975 khi Tổng thống Gerald Ford áp phí đối với xăng nhập khẩu trong bối cảnh khủng hoảng dầu vào giữa những năm 70. Tổng thống Richard Nixon cũng sử dụng công cụ này để áp chương trình phụ thu 10% cho tất cả các mặt hàng (across-the-board).

Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ, ông Wilbur Ross cho rằng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp hiện tại áp dụng với sắt thép nhập khẩu chỉ hỗ trợ được rất ít cho ngành sản xuất của Hoa Kỳ, và vụ việc điều tra theo quy định tại mục 232 với phạm vi sản phẩm điều tra rộng, áp dụng với nhiều nước sẽ mang lại giải pháp toàn diện hơn để giải quyết vấn đề này.

Trong thông cáo gửi DOC liên quan đến vụ việc vào ngày 20/4/2017 (chỉ một ngày sau khi vụ việc được khởi xướng), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhấn mạnh cả thị trường thép Hoa Kỳ và thị trường thép toàn cầu đều đang bị bóp méo do dư thừa công suất mà việc dư thừa này chủ yếu là do hệ quả của trợ cấp của chính phủ nước ngoài và các hoạt động không công bằng khác và đã gây ra sự giảm giá mạnh trong ngành thép. Hoa Kỳ đã áp dụng hơn 150 lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm thép, nhưng cũng không làm giảm đáng kể ảnh hưởng tiêu cực của hàng nhập khẩu với ngành sản xuất thép của Hoa Kỳ. Thông cáo của Tổng thống Trump không tập trung vào một nước cụ thể nhưng theo thông tin từ trang tin Law360, bất kỳ mức thuế mới nào với thép chắc chắn sẽ ngăn cản nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn đã bị Hoa Kỳ, EU và các nước khác bày tỏ quan điểm phản đối mạnh mẽ vì gây ra tình trạng dư thừa công suất.

Trang tin Law360 đánh giá việc Tổng thống Trump tái khởi động việc điều tra theo quy định tại mục 232 nằm trong chuỗi các hành động toàn ngành nhằm đối phó với thép nhập khẩu trong vòng 02 năm trở lại đây, trong đó có hàng loạt các vụ việc phòng vệ thương mại và vụ việc Tập đoàn Thép Hoa Kỳ kiện các nhà sản xuất thép Trung Quốc vào giữa năm 2016 về hành vi ấn định giá bất hợp pháp, lẩn tránh thuế và ăn cắp bí mật thương mại theo Mục 337 của Đạo luật Thuế quan 1930 (về các hành vi thương mại không công bằng trong nhập khẩu). Việc điều tra này được cho là bắt nguồn từ sắc lệnh “Buy American, Hire American” nhằm bảo vệ sức mua quốc gia và lực lượng lao động có tay nghề cao của Hoa Kỳ khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài. Vụ việc này được đánh giá là có thể dẫn tới việc áp thuế cao đối với ngành thép trong bối cảnh chính quyền Hoa Kỳ đã liên tục nhắc tới việc tăng cường các hoạt động thực thi thương mại vốn đã rất mạnh mẽ. Trong những ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Trump đã đưa ra các biện pháp để bảo hộ cho ngành thép thông qua việc sử dụng những quy định linh hoạt trong luật thương mại Hoa Kỳ để làm tăng mức thuế.

Một số thông tin chung về vụ việc

Cụ thể, sản phẩm bị điều tra: thép cán phẳng, thép dài, ống thép, các sản phẩm bán thành phẩm, sản phẩm không gỉ, và hợp kim thép đặc biệt mà đòi hỏi kỹ năng sản xuất không giống thường lệ và được sử dụng để chế tạo áo giáp, động cơ, thuyền, máy bay và cơ sở hạ tầng. Phạm vi sản phẩm này có thể được DOC tiếp tục điều chỉnh. Trong thông báo khởi xướng không định nghĩa “thép” hoặc những sản phẩm/ngành thuộc phạm vi điều tra, điều này cho thấy là dự kiến sẽ có một định nghĩa rất rộng sau khi DOC nhận được hàng loạt các bình luận của các nhà sản xuất thép của Hoa Kỳ.

Trong trường hợp DOC ra kết luận cần thiết phải áp dụng biện pháp với thép nhập khẩu, Tổng thống có quyền ra quyết định “điều chỉnh sự nhập khẩu” thép, bao gồm việc thay đổi mức thuế và hình thức thuế nhập khẩu với thép mà không có giới hạn rõ ràng, và giới hạn hoặc hạn chế nhập khẩu thép. Mục 232 cung cấp cho cơ quan chính quyền Hoa Kỳ một thẩm quyền rộng để ra quyết định vì không quy định rõ về thế nào là nguy cơ an ninh quốc gia, không có giới hạn về bản chất của khoản thuế sẽ được áp, không có quy định rõ ràng về thời gian áp dụng biện pháp, mà chỉ có quy định cho phép Tổng thống có thể chấm dứt biện pháp bất cứ lúc nào, một phần hoặc toàn bộ.

Bất kỳ bên có liên quan nào có thể yêu cầu tiến hành điều tra theo Mục 232, tuy nhiên theo ông Ross, DOC đã tự tiến hành khởi xướng vụ việc. Động thái này bắt nguồn từ lời hứa của Bộ trưởng DOC về việc sẽ khiến cho Bộ này hoạt động tích cực hơn trên mặt trận thực thi thương mại.

Theo quy định, DOC sẽ phải ra kết luận điều tra trong vòng 270 ngày kể từ ngày khởi xướng. Tuy nhiên, ông Wilbur Ross cho biết vụ việc có thể tiến hành nhanh hơn so với thông thường, do DOC đã nắm trong tay rất nhiều dữ liệu liên quan đến sản phẩm thép từ các vụ việc trong quá khứ, thêm vào đó, Tổng thống Hoa Kỳ cũng đã kêu gọi các cơ quan đẩy nhanh tiến trình của vụ việc trong Thông cáo gửi DOC ngày 20/ 4 đã nêu ở trên. Sau khi việc rà soát của DOC đã hoàn thành, Tổng thống có 90 ngày để quyết định chấp nhận hay từ chối kiến nghị của DOC.

Theo lịch trình dự kiến ban đầu, DOC có thể tổ chức phiên điều trần công khai vào cuối tháng 9/2017. Tuy nhiên, DOC đã thông báo trên Công báo liên bang về việc sẽ tổ chức phiên điều trần vào ngày 24/5/2017 tại trụ sở DOC, Washington, D.C. Các bên có liên quan muốn tham gia phiên điều trần phải gửi yêu cầu bằng văn bản có kèm theo bản đệ trình nội dung dự kiến phát biểu tại phiên điều trần tới DOC trước ngày 17/5/2017 (việc tham gia bên điều trần là có giới hạn, không phải tất cả các bên đăng ký đều có quyền tham gia). Bên cạnh đó, các bên liên quan (bao gồm cả các bên không được tham gia phiên điều trần) được phép cung cấp các bình luận, số liệu, phân tích và các thông tin khác liên quan đến cuộc điều tra bằng văn bản cho DOC muộn nhất vào ngày 31/5/2017. Do đó, dự kiến mức thuế/hạnh ngạch trong vụ điều tra này có thể được áp sớm nhất là vào cuối tháng 6.

Cục Quản lý Cạnh tranh
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Thương mại Hoa Kỳ

Tin cùng chuyên mục

Thương mại Việt Nam – Thuỵ Điển tăng trưởng 11,8%

Lạng Sơn: Năm 2024, xuất nhập khẩu tăng trưởng 27,6%

Công bố 10 sự kiện logistics Việt Nam năm 2024

Số lượng C/O ưu đãi được cấp năm 2024 tăng 18%

Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua chế tạo vaccine thú y

Thứ trưởng Phan Thị Thắng: Công tác phát triển thị trường châu Á - châu Phi phải trọng tâm, trọng điểm

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa năm 2024

Châu Á - châu Phi tiếp tục là thị trường chiến lược trong hoạt động xuất nhập khẩu

Năm 2025, cần đưa ra mục tiêu, giải pháp trong cả hoạt động nhập khẩu

Xuất khẩu nông sản: Đừng để “vết ố” làm hỏng bức tranh sáng màu!

Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 sẽ tăng từ 10-12%

Xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc giảm lượng, tăng chất

Giải pháp nào để xuất khẩu hàng hóa tăng thêm 4 tỷ USD/tháng?

Vượt Bangladesh, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may

Năm 2025, phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 12% so với năm 2024

Xuất khẩu gạo năm 2024 đạt kỷ lục cả về lượng và giá trị

Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ dự kiến vượt mức 15 tỷ USD

EU tăng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng của Việt Nam

Xuất khẩu thủy sản tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3 thế giới

Năm 2024: Xuất nhập khẩu cán mốc kỷ lục chưa từng có trong 40 năm