Thứ năm 26/12/2024 06:18

Bộ Công Thương làm việc với Trung tâm Nhiên liệu Xanh Toàn cầu về phát triển nhiên liệu sinh học

Ngày 13/11, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) có buổi làm việc cùng Trung tâm Nhiên liệu Xanh Toàn cầu (GCGF) về phát triển nhiên liệu sinh học.

Bộ Công Thương thực hiện chủ trương thúc đẩy nhiên liệu xanh tại Việt Nam

Ngày 13/11, tại trụ sở Bộ Công Thương, Vụ Khoa học và Công nghệ đã làm việc cùng Trung tâm Nhiên liệu Xanh Toàn cầu (GCGF) về phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam.

Thành phần tham dự buổi làm việc bao gồm ông Đào Duy Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và ông Clarance Woo, Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiên liệu Xanh Toàn cầu.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Trần Đình

Nội dung chính của buổi làm việc liên quan đến vấn đề phát triển nhiên liệu sinh học của Chính phủ Việt Nam. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam luôn coi thúc đẩy tăng trưởng xanh là một nhiệm vụ then chốt để kiến tạo một không gian phát triển bền vững, theo chiều sâu, không chỉ cho hiện tại, mà còn cho những thế hệ mai sau.

Minh chứng cho quan điểm đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống; Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mêtan của ngành giao thông vận tải.

Cùng với đó là Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 01/3/2024 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chia sẻ một số kết quả đạt được của Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua về việc phát triển nhiên liệu sinh học, ông Đào Duy Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - thông tin, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động khác liên quan đến phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam, góp phần tham gia cùng Chính phủ và các đơn vị liên quan đảm bảo đạt mục tiêu đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trần Đình

Điển hình, Bộ Công Thương thực hiện xây dựng quy chuẩn quốc gia về xăng, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu sinh học; công tác thông tin, tuyên truyền lợi ích của việc sử dụng xăng E5, triển khai các giải pháp để khuyến khích sử dụng xăng sinh học (như điều hành giá xăng dầu một cách linh hoạt nhằm tạo mức chênh lệch giá giữa giá xăng truyền thống và xăng sinh học ở mức hợp lý). Đồng thời, hợp tác quốc tế với một số tổ chức có uy tín trên thế giới nhằm phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam.

Về dự kiến một số nội dung, nhiệm vụ sẽ triển khai trong thời gian tới của Bộ Công Thương, ông Đào Duy Anh cho biết: "Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn hiện nay đối với việc phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm phát triển nhiên liệu sinh học liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao".

Cụ thể, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương sẽ là đầu mối, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và đơn vị liên quan rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện lộ trình nhiên liệu sinh học của Việt Nam. Trên cơ sở đó, báo cáo, tham mưu và trình cấp có thẩm quyền đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng, chỉnh sửa bổ sung Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng sản phẩm nhiên liệu sinh học với tỷ lệ phối trộn khác nhau. Đảm bảo nhập khẩu, sản xuất và cung ứng nhiên liệu sinh học phù hợp với nhu cầu thực tiễn hiện nay tại Việt Nam. Xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học đủ hấp dẫn để người tiêu dùng ưu tiên sử dụng nhiên liệu sinh học.

Đề xuất xây dựng chiến dịch truyền thông về việc thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Clarance Woo - Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiên liệu Xanh Toàn cầu (GCGF) - cho biết: "Chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong việc thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng nhiên liệu sinh học. Cụ thể, tổ chức GCGF đã triển khai chiến dịch truyền thông nổi bật như giáo dục và nâng cao nhận thức về vấn đề ethanol là nguồn tài nguyên tái tạo có thể giúp xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng. Quan hệ đối tác với các nhà sản xuất ô tô đối với việc nêu bật sự chứng thực về sự tin cậy nhiên liệu sinh học. Cùng với đó là các chiến dịch khuyến mại trong thị trường một số quốc gia nhằm nhấn mạnh vào việc tiết kiệm chi phí và lợi ích môi trường".

Do đó, tại Việt Nam, ông Clarance Woo đề xuất có thể xây dựng một chiến dịch truyền thông về việc thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học.

Ông Clarance Woo, Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiên liệu Xanh Toàn cầu đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học tại Việt Nam. Ảnh: Trần Đình

"Chúng tôi đã đến thăm Đại học Bách khoa và ghi nhận rằng đơn vị này đã hợp tác cùng nhà sản xuất động cơ để thử nghiệm đối với xăng RON 92, 95 tiêu chuẩn E5, E10 đối với xe máy. Kết quả thử nghiệm cho thấy các loại nhiên liệu này giúp giảm phát thải, tăng hiệu suất, khả năng tiết kiệm nhiên liệu của động cơ. Tất cả phép thử như vậy có thể thuyết phục người tiêu dùng tốt hơn. Chúng tôi có thể hỗ trợ Bộ Công Thương về việc thiết kế một chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về vấn đề này" - ông Clarance Woo chia sẻ.

Đồng thời, Tổng Giám đốc GCGF gợi ý về việc hỗ trợ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) thực hiện các chuyến tham quan, học tập tại nhiều quốc gia khác để chứng kiến những kết quả thành công. Từ đó có thể đúc kết những kinh nghiệm để thúc đẩy nhiên liệu sinh học trong bối cảnh thị trường Việt Nam.

Với các đề xuất từ phía Tổ chức GCGF, ông Đào Duy Anh - cho biết: "Bộ Công Thương hoan nghênh thiện chí hợp tác của GCGF về lĩnh vực nhiên liệu xanh, và sẵn sàng hợp tác với GCGF".

Đại diện Bộ Công Thương và Trung tâm Nhiên liệu Xanh Toàn cầu hoan nghênh sự hợp tác trong thời gian tới. Ảnh: Trần Đình

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương có thể cùng GCGF trao đổi tài liệu, kinh nghiệm, cung cấp công nghệ phối trộn, tàng trữ, bảo quản, phân phối và thử nghiệm nhiên liệu sinh học (E5 trên nền xăng RON A95 và E10 trên nền xăng RON A92, RON A95), nhiên liệu sinh học hàng không bền vững (SAF), làm cơ sở khoa học và thực tiễn để rà soát điều chỉnh lộ trình phối trộn, sử dụng nhiên liệu sinh học trong thời gian tới tại Việt Nam.

Đồng thời, cung cấp, trao đổi tài liệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến nhiên liệu sinh học). Tổ chức các đoàn tham quan công nghệ, trao đổi kinh nghiệm về quản lý, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm nhiên liệu sinh học tại các nước triển khai thành công việc sử dụng nhiên liệu sinh học; mời chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý đến Việt Nam để triển khai một số hoạt động hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật về sản xuất, phối trộn, vận chuyển, bảo quản nhiên liệu sinh học.

Bên cạnh đó, hai bên sẽ phối hợp tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề về sản xuất, phối trộn nhiên liệu sinh học tại Việt Nam, triển khai các hoạt động nâng cao năng lực truyền thông về việc tiêu thụ, sử dụng nhiên liệu sinh học tại Việt Nam.

Trung tâm Nhiên liệu Xanh Toàn cầu (GCGF) là một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận chuyên tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý trên toàn thế giới trong việc phát triển và vạch ra lộ trình cũng như chính sách năng lượng xanh của họ. Tổ chức này có trụ sở tại Singapore.
Trần Đình
Bài viết cùng chủ đề: Nhiên liệu sinh học

Tin cùng chuyên mục

Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia: 7 nhóm giải pháp chiến lược từ PGS.TS. Vũ Trọng Lâm

Tập trung nguồn lực cho dự án sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Nga mong muốn trở thành quốc gia dẫn đầu trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Mô hình kho LNG trung tâm: Giải pháp chống lãng phí đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng quốc gia

Hiện thực hóa 4 quy hoạch ngành quốc gia: Khơi thông nguồn lực phát triển đất nước

Đóng điện Dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống

EVNNPT đóng điện đường dây 220kV Rạch Giá 2 - Kiên Bình mạch 2

Bộ Công Thương lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định về giấy phép hoạt động điện lực theo Luật Điện lực

EVNNPT đóng điện Trạm biến áp 220kV Nam Cấm

70 năm ngành điện Việt Nam và sứ mệnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Chung tay tìm giải pháp đẩy nhanh các dự án điện khí LNG

Bộ Công Thương rốt ráo chuẩn bị đưa Luật Điện lực vào thực thi

Tôn vinh các doanh nghiệp, cá nhân đạt Giải thưởng hiệu quả năng lượng năm 2024

Bộ Công Thương xây dựng lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện than và khí

Tăng cường cấp điện cho Hà Nội qua dự án truyền tải điện hơn 1.600 tỷ đồng

Công ty Điện lực Cao Bằng: Lan tỏa nghĩa tình ngành điện

Lào Cai: Điện lực Bắc Hà 'Thắp sáng làng quê', tri ân khách hàng

Đà Nẵng: Nâng cao năng lực thực hành sử dụng năng lượng bền vững

Nhiều dự án điện khí LNG có nguy cơ lỗi hẹn tiến độ

Vietsovpetro vượt đà suy giảm, hoàn thành chỉ tiêu sớm 20 ngày