Bộ Công Thương kỳ vọng đột phá phát triển các dự án năng lượng tái tạo
Chiều ngày 25/11/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Đây là sự kiện nối tiếp sau Hội nghị thành công diễn ra tại Cần Thơ ngày 22/11/2024, một minh chứng rõ nét cho sự cần thiết và kỳ vọng lớn lao của Chính phủ, Bộ Công Thương, các địa phương và các bên liên quan trong việc triển khai thực hiện thành công các Nghị định này.
Đại biểu tham dự hội nghị. |
Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, Nghị định số 135/2024/NĐ-CP và Nghị định số 115/2024/NĐ-CP, là những văn bản pháp lý mang tính đột phá, tạo ra cơ sở vững chắc cho việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, mà còn hỗ trợ việc chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Ông Nguyễn Quang Minh - Trưởng phòng Thị trường điện Cục Điều tiết điện lực, trình bày quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (Nghị định số 80/2024/NĐ-CP) tại hội nghị |
Hội nghị nhằm mục tiêu giúp các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định mới, từ đó triển khai thực hiện hiệu quả tại mỗi địa phương, đặc biệt thống nhất trong cách hiểu, phối hợp hiệu quả trong quá trình thực hiện. Tại hội nghị, đại diện Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã trình bày những điểm cốt lõi về cơ chế, chính sách mới, đột phá của Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, Nghị định số 135/2024/NĐ-CP và Nghị định số 115/2024/NĐ-CP đến các đại biểu.
Ông Ngô Văn Trường, chuyên viên chính Phòng Năng lượng tái tạo - Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, trình bày quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ (Nghị định số 135/2024/NĐ-CP); và các nội dung liên quan đến đấu thầu dự án đầu tư công trình năng lượng theo quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (Nghị định số 115/2024/NĐ-CP) tại hội nghị. |
Ngoài ra, các đại biểu tại hội nghĩ cũng đã lắng nghe các tham luận của đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và của khách hàng sử dụng điện lớn. Đặc biệt, tại phiên hỏi và đáp các đại biểu trao đổi thẳng thắn, chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp các ý kiến nhằm triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách mới, hướng tới một tương lai năng lượng bền vững và phát triển toàn diện cho Việt Nam.
Đại diện các doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị. |
Đại diện cho 5 Tổng công ty điện lực (miền Bắc, miền Trung, miền Nam, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) trình bày tham luận về việc triển khai 3 nghị định nêu trên và đóng góp ý kiến, ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đánh giá, việc ban hành các Nghị định trên là những quyết sách quan trọng, giúp tháo gỡ được nhiều nút thắt trong quản lý, vận hành điện từ nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua do Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020. Điều này có ý nghĩa rất lớn cho ngành sản xuất của Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng trước yêu cầu xanh hóa ngày càng cao.
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC). |
Theo ông Bùi Trung Kiên, dự kiến trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất của TP. Hồ Chí Minh có được chứng chỉ năng lượng tái tạo, chứng chỉ giảm phát thải carbon, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người dân, doanh nghiệp, công sở tại thành phố sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, đóng góp vào định hướng chuyển dịch năng lượng và cam kết Net-Zero của Chính phủ.
Kết luận hội nghị, để đảm bảo cung cấp đủ điện cho đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống điện tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng cung cầu điện trong những năm tới, thừa Uỷ quyền của Lãnh đạo Bộ Công Thương, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai hiệu quả 3 Nghị định.
Đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, giải đáp cầu hỏi của doanh nghiệp tại hội nghi. |
Theo đó Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương chú trọng tổ chức triển khai các nội dung được quy định tại 3 Nghị định.
Cụ thể, đối với UBND các địa phương và các sở, ban, ngành: Tích cực hướng dẫn, phối hợp triển khai các quy định của Nghị định số 115/2024/NĐ-CP nhằm minh bạch, hiệu quả hóa quy trình lựa chọn nhà đầu tư các dự án sử dụng đất và Nghị định số 135/2024/NĐ-CP, Nghị định số 80/2024/NĐ-CP. Đồng thời đảm bảo sự đồng bộ trong các quy định địa phương, tránh chồng chéo hoặc gây khó khăn cho các nhà đầu tư; thúc đẩy việc đưa các dự án năng lượng tái tạo vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần tạo điều kiện phát triển bền vững.
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các tổng công ty phát điện, các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đề nghị đẩy mạnh triển khai Nghị định số 135/2024/NĐ-CP và Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, đặc biệt là cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ và cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực: Bộ Công Thương mong muốn được đồng hành cùng các đơn vị có liên quan, chung tay phối hợp để triển khai một cách có hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển năng lượng tái tạo |
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo để đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, ổn định, phù hợp với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo; chủ động xây dựng và cung cấp các giải pháp, công cụ hỗ trợ khách hàng sử dụng điện lớn, đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi trong giao dịch.
Đối với các hiệp hội và doanh nghiệp cần phát huy vai trò kết nối, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp với cơ quan quản lý, đồng thời chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các quy định mới. Đặc biệt, chú trọng đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, tận dụng cơ hội từ các chính sách khuyến khích của Chính phủ.
Lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương và đại biểu tham dự hội nghị |
Còn đối với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, doanh nghiệp trong việc triển khai các quy định của 3 Nghị định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các địa phương và đơn vị liên quan để đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong triển khai.
“Việc triển khai hiệu quả 3 Nghị định này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Với tinh thần trách nhiệm và sự quyết tâm của tất cả hội nghị và các bên liên quan, các mục tiêu đề ra sẽ sớm được hiện thực hóa, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành năng lượng và nền kinh tế Việt Nam” đại diện Bộ Công Thương kỳ vọng.