Bộ Công Thương: Hỗ trợ pháp lý đúng trọng tâm, trọng điểm
Triển khai quyết liệt nhiều hoạt động
Theo Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng Chương trình HTPL liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021-2026; chủ động rà soát khó khăn, vướng mắc về công tác HTPL cho DNNVV ngành Công Thương. Ngoài ra, trong phạm vi quản lý nhà nước ngành Công Thương, bộ cũng đã ban hành kế hoạch HTPL cho DNNVV năm 2020 thuộc phạm vi quản lý của bộ nhằm tăng cường nhận thức, ý thức về công tác HTPL cho DNNVV của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và DN. Công tác HTPL cho DNNVV cũng được thực hiện lồng ghép trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm của bộ nhằm cung cấp đầy đủ thông tin các quy định pháp luật liên quan của ngành Công Thương đến DN.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn đẩy mạnh tư vấn pháp luật cho DNNVV. Ngày 16/3/2020 Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 842/QĐ-BCT về việc ban hành quy định công nhận tổ chức, cá nhân thuộc mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ DNNVV ngành Công Thương.
Vụ Pháp chế nhận định, điểm nổi bật tạo nên hiệu quả trong công tác HTPL cho DN của ngành Công Thương thời gian qua là việc tích cực phổ biến các nội dung chính sách, quy định mới tới DN; triển khai quyết liệt nhiều hoạt động để tiếp thu ý kiến của DN và nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ, nghiên cứu, điều chỉnh các quy định pháp luật có liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bộ Công Thương cũng thường xuyên cập nhật và có chỉ đạo ngay lập tức đối với những phản ánh, kiến nghị của DN trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tích cực phổ biến nội dung chính sách, quy định mới tới doanh nghiệp |
Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Dù đạt hiệu quả rõ nét, tuy nhiên theo Vụ Pháp chế, quá trình thực hiện HTPL cho DNNVV của bộ vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài Nghị định số 66/2008/NĐ-CP không có các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể các hoạt động, chương trình cần triển khai. Mặt khác, Quyết định số 585/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình HTPL liên ngành dành cho DN, quy định các nhóm nội dung thực hiện khá rộng nhưng đối tượng tham gia và được cấp phát kinh phí từ chương trình thì hạn hẹp, nên việc triển khai thực hiện các hoạt động, chương trình của các bộ, ngành chỉ ở mức độ cầm chừng, chưa đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của cộng đồng DN.
Bên cạnh đó, kinh phí bố trí cho công tác HTPL cho DN rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; thiếu các quy định pháp luật hướng dẫn về phân bổ kinh phí, cơ chế, chính sách dành cho các cơ quan thực hiện HTPL. Đặc biệt, hoạt động HTPL cho DNNVV được quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017 và được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019, song quy định tại Nghị định này còn có một số điểm cần rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện thêm. Ví dụ, tại khoản 5 Điều 7 Nghị định số 55 quy định: “Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cập nhật và đăng tải các bản án, quyết định của tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh…”, nhưng trên thực tế việc đăng tải các văn bản nói trên gặp nhiều khó khăn do khó xác định được các trường hợp nào là bản án, quyết định được phép công khai, đồng thời việc công khai các văn bản nói trên có thể xảy ra những khiếu nại, khiếu kiện từ phía các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nhằm giúp DNNVV ngành Công Thương kinh doanh hiệu quả, phòng chống các rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh, nắm bắt kịp thời, đầy đủ các quy định pháp luật; tạo hành lang pháp lý an toàn, hiệu quả cho hoạt động và phát triển của DN, ngày 18/1/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 142/QĐ-BCT về Kế hoạch HTPL cho DNNVV năm 2021. Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Quyết định, Vụ Pháp chế - nhấn mạnh, thời gian tới, công tác HTPL cho DNNVV được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Vụ Pháp chế sẽ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, điển hình như: Xây dựng cơ sở dữ liệu và chuyên mục “HTPL cho DNNVV”, hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật cho DN; triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DN…
Bộ Công Thương xác định việc HTPL cho DNNVV phải có trọng tâm, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực; bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, không chồng chéo, trùng lặp và thực hiện đầy đủ nguyên tắc, nội dung trùng lặp cho DN. |