Thứ năm 26/12/2024 00:30

Bình Dương: Xuất khẩu 9 tháng đầu năm cán mốc gần 27 tỷ USD, thặng dư thương mại 8,4 tỷ USD

Để mở rộng thị trường xuất khẩu, tỉnh Bình Dương tiếp tục phối hợp Bộ Công Thương triển khai các nhóm giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường FTA.

Kim ngạch xuất khẩu cán mốc gần 27 tỷ USD

Thông tin tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 sáng ngày 22/10, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Trong 9 tháng năm 2024, các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh Bình Dương tiếp tục hồi phục, tăng trưởng và chuyển dịch theo hướng tích cực. Đặc biệt, công nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.

UBND tỉnh Bình Dương họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng năm 2024. Ảnh: Thanh Minh

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng năm 2024 tăng hơn 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,2% so với với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4,2%). “Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực đã dần phục hồi và có đơn hàng xuất khẩu trở lại đến quý I/2025” - đại diện Sở Công Thương đánh giá.

Liên quan đến hoạt động của khu công nghiệp, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, công tác quy hoạch, triển khai thủ tục đầu tư các khu công nghiệp mới và hoạt động của doanh nghiệp trong khu công nghiệp có nhiều thuận lợi.

Theo đó, tổng vốn đầu tư xây dựng 9 tháng của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt gần 4.300 tỷ đồng, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm trước. Các khu công nghiệp đã cho thuê 53,88 ha đất, thu hút đầu tư nước ngoài đạt gần 1,4 tỷ USD (chiếm 88,3% cả tỉnh). Đáng chú ý, doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt 27 tỷ USD, xuất khẩu đạt 18,2 tỷ USD (chiếm 70% cả tỉnh).

“Bình Dương đang tập trung đầu tư các khu công nghiệp thế hệ mới, hướng đến sản xuất thông minh, sản xuất xanh; hoàn thiện hồ sơ Đề án thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung; xây dựng bộ tiêu chí di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam vào các khu, cụm công nghiệp ở phía Bắc”, đại diện UBND tỉnh thông tin.

Về lĩnh vực thương mại - dịch vụ: Tỉnh đã triển khai các giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường. Theo đó, tình hình hoạt động thương mại, dịch vụ tương đối ổn định, sức mua trên thị trường 9 tháng năm 2024 có chiều hướng tăng so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 256 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, xuất khẩu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Bình Dương trong 9 tháng năm 2024. Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2024 có nhiều thuận lợi, xuất khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã từng bước được khôi phục, môi trường thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng được cải thiện, các hoạt động xuất, nhập khẩu ngày càng gia tăng, nhất là từ tháng 7/2024 đến nay, đạt bình quân hơn 3 tỷ USD/tháng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2024 của Bình Dương đạt 26,8 tỷ USD, tăng 15,4% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 14,8%), thặng dư thương mại đạt 8,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, bên cạnh đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các ngành, lĩnh vực kinh tế, UBND tỉnh Bình Dương nhìn nhận, quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu tại các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như: Tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn do xung đột địa chính trị kéo dài, lạm phát còn cao, giá dầu, giá lương thực, tỷ giá trên thị trường thế giới biến động mạnh, tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp…

Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, khai thác các thị trường FTA

Tại họp báo, bà Nguyễn Thanh Hà - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương nhấn mạnh: Kết quả 9 tháng đầu năm ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng khả quan của cả 3 lĩnh vực chính của ngành Công Thương, gồm: Sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước. Trong đó, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng nổi bật, ghi nhận sự phục hồi tích cực so với cùng kỳ năm trước, qua đó, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế của tỉnh Bình Dương trong năm 2024.

Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - thông tin về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu tại họp báo sáng 22/10/2024. Ảnh: Thanh Minh.

Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, đặc biệt là 3 tháng còn lại trong năm nay, diễn biến tình hình kinh tế - chính trị thế giới sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp, khó lường, nhất là từ các cuộc xung đột vũ trang tại Trung Đông và Nga - Ukraine. Đây cũng là thách thức chung của tỉnh Bình Dương cũng như cả nước trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã đặt ra.

Năm 2024, tỉnh Bình Dương phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng từ 9 - 10%. Để đạt được mục tiêu này, trong những tháng còn lại và cả năm nay, Ngành Công Thương sẽ tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất và hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Từ đó, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu củng cố các thị trường xuất khẩu chủ lực cũng như mở rộng thị trường các nước có lợi thế từ các cam kết của Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Cụ thể, Sở Công Thương tăng cường phối hợp, trao đổi trực tiếp giữa các sở, ngành, địa phương với cộng đồng doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng kéo dài, đang là “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó, tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đúng theo thẩm quyền hoặc báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Đồng thời tiếp tục theo dõi sát diễn biến các thị trường, chính sách xuất nhập khẩu chủ yếu của tỉnh. Triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại như: CPTPP, EVFTA, RCEP.

Song song đó, phối hợp triển khai hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, phân phối nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu, chủ động nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, nhất là sản xuất cho xuất khẩu đáp ứng các điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo những FTA đã ký kết. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các sở, ngành, doanh nghiệp triển khai hiệu quả công tác phòng vệ thương mại, ứng phó với các vụ kiện của nước nhập khẩu, bảo vệ thị trường xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.

“Sở cũng tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Kịp thời phối hợp với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các doanh nghiệp, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh” - bà Nguyễn Thanh Hà thông tin.

Bên cạnh đó, chủ động triển khai tốt chương trình bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu và các chương trình kích cầu tiêu vào dịp cuối năm để ổn định thị trường trong nước, giải phóng hàng tồn kho cho doanh nghiệp. Phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện các giải pháp bảo đảm duy trì nguồn cung đầy đủ, ổn định điện, xăng dầu cho nền kinh tế.

Minh Khuê
Bài viết cùng chủ đề: Hiệp định thương mại tự do (FTA)

Tin cùng chuyên mục

Ngành Công Thương Cần Thơ 2024: Dấu ấn từ những con số biết nói

Ngành Công Thương Hải Phòng: Dấu ấn tăng trưởng trong năm nhiều biến động

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị cơ chế đẩy nhanh tiến độ dự án điện hạt nhân

Hợp tác xã Nấm Tam Đảo: Hỗ trợ người dân làng Nủ khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 3 - Vào cuộc với hào khí anh hùng

Bài 2 - Tự hào vì quê hương có nhà máy điện hạt nhân

Hậu Giang: Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Khởi công cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng

Năm 2025, Tây Ninh thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 3- Những bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP

Năm 2025, Đồng Nai ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số

Bài 2 - Nâng sao đếm số, nhiều OCOP đứng trước nguy cơ ''chết yểu''

Bà Rịa – Vũng Tàu: Khởi động dự án khu công nghiệp thông minh, sinh thái

Ninh Thuận: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 1- OCOP, làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn

Tuyên Quang: Sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế TP. Vũng Tàu năm 2024

Đồng Tháp: Tuân thủ pháp luật để hoạt động thương mại biên giới phát triển bền vững