Nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu
Hiện nay, Bình Dương nằm trong top 5 địa phương có ngành CNHT phát triển mạnh của cả nước (cùng với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai và Bắc Ninh). Mặc dù năng lực ngành CNHT của tỉnh đã được cải thiện đáng kể, tuy vậy, mới chỉ đáp ứng được từ 40 - 45% cho ngành dệt may, da giày; 10 - 20% cho sản xuất, lắp ráp ôtô dưới 9 chỗ; 15% cho điện tử, tin học, viễn thông; 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao...
![]() |
Ưu tiên nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu |
Thống kê mới nhất của Sở Công Thương Bình Dương cho thấy, tỉnh hiện có khoảng 2.300 DN sản xuất, kinh doanh sản phẩm CNHT; bước đầu đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và DN FDI, tạo điều kiện cho DN trong nước tiếp cận công nghệ hiện đại, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp toàn thế giới. Trong những năm gần đây, tỉnh Bình Dương đã ưu tiên nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu như: Ngành dệt may với lĩnh vực sản xuất sợi, dệt vải, dây kéo, nhuộm, hoàn thiện sản phẩm dệt; ngành cơ khí (sản xuất kim loại, sản phẩm từ kim loại, máy móc, thiết bị và phụ tùng cho các ngành công nghiệp ôtô); ngành điện - điện tử (sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị dây dẫn điện, cáp quang)...
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho dệt may, da giày, cơ khí, điện - điện tử. Tỉnh đã phát triển riêng một khu công nghiệp tại huyện Bàu Bàng, rộng trên 1.000ha, ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào CNHT, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài.
Tăng tốc phát triển
Theo Sở Công Thương Bình Dương, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề, nhất là ở khối sản xuất, khi phụ thuộc vào nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu. Trước tình hình đó, Sở Công Thương Bình Dương cũng đang thúc đẩy tái cơ cấu các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xác định trọng tâm là khu vực CNHT. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh phát triển CNHT là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu.
Giai đoạn 2021 - 2025, Bình Dương sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, kết nối, hỗ trợ DN CNHT trên địa bàn tỉnh trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước. Xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào CNHT, hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất. Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT…
Để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ DN phát triển CNHT, giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do DN trong nước sản xuất. Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Đồng thời, tỉnh tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh từng nhóm sản phẩm hỗ trợ thích ứng; hình thành các khu, cụm công nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, nguyên vật liệu phụ trợ cho các ngành công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sản xuất các loại sản phẩm phụ trợ, cung ứng linh kiện, phụ tùng, nguyên phụ liệu cho sản xuất CNHT.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bình Dương ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT như dệt may, sợi, da giày, các ngành nghề có giá trị, hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động. Ngoài ra, một số ngành nghề khác như chế biến gỗ, y tế, dược, ngành dịch vụ chất lượng cao... cũng được quan tâm thu hút đầu tư. |