Năm 2024, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt Hội chợ Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ 2024 tổ chức vào 18/9/2024 đã đem lại nhiều cơ hội kết nối giao thương cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Tăng trưởng công nghiệp ở mức hai con số
Bước vào năm 2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức phức tạp. Các yếu tố như cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, xung đột quân sự leo thang tại một số khu vực, thiên tai, biến đổi khí hậu đã tạo ra một môi trường kinh tế đầy rủi ro, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế phục hồi chậm và nhiều yếu tố bất ổn tiếp tục đè nặng lên các nền kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam. Tình hình này cũng tác động trực tiếp đến tăng trưởng sản xuất công nghiệp và phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội.
Hội chợ triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia |
Trước những khó khăn này, Chính phủ, Bộ Công Thương và chính quyền thành phố Hà Nội đã ban hành các nghị quyết và chương trình hành động để thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế. Điển hình là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ và Chương trình hành động số 04/CTr-UBND ngày 14/3/2024 của UBND thành phố Hà Nội, tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế xã hội. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và các cấp chính quyền, kinh tế Hà Nội đã có những bước phục hồi tích cực trong các tháng đầu năm 2024.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2024, các chỉ số sản xuất máy móc, thiết bị của Hà Nội đã tăng trưởng ở mức hai con số. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,2%. Hầu hết các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá so với cùng kỳ như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 26,6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 8,8%; sản xuất trang phục tăng 8,6%; chế biến thực phẩm tăng 8,1%; sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,7%.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ
Thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, một yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Chính quyền thành phố đã thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, đồng thời triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025.
Theo định hướng phát triển đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và công nghiệp xanh. Để đạt được mục tiêu này, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư và thương mại, đồng thời phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Các doanh nghiệp trong nước cũng được khuyến khích tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế thông qua các chương trình kết nối và hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài.
Hà Nội hiện có gần 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó khoảng 35% các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Điều này khẳng định vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất.
Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ Hà Nội 2024
Một trong những sự kiện nổi bật trong năm 2024 là Hội chợ Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, được tổ chức từ 18 đến 20/9/2024 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hà Nội. Đây là sự kiện thường niên, chuyên ngành lớn về công nghiệp hỗ trợ, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Hội chợ năm nay dự kiến có từ 200 đến 250 gian hàng của các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và nhiều quốc gia khác.
Hội chợ với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp lớn như NC Network Việt Nam, Mitutoyo Việt Nam, CNCTECH, và nhiều tên tuổi khác trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Các sản phẩm trưng bày tại hội chợ chủ yếu là các sản phẩm linh kiện, phụ tùng công nghiệp có tính cạnh tranh cao, phục vụ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao như điện tử, hàng không vũ trụ và công nghệ thông tin.
Hội chợ còn là nơi gặp gỡ, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các đơn vị mua hàng đến từ các tập đoàn lớn như Panasonic Việt Nam, Samsung Electronics Việt Nam, TOTO Việt Nam và KVK Corporation. Các cuộc gặp gỡ và trao đổi trong khuôn khổ hội chợ có khả năng mang lại những hợp đồng thương mại có giá trị, giúp mở rộng cơ hội hợp tác và phát triển sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp tham gia.
Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp hỗ trợ, Hà Nội đang dần khẳng định vị thế là một trong những trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước. Thành phố đã tổ chức nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp với các đối tác quốc tế từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, các hoạt động hợp tác với các tỉnh và thành phố lớn trên thế giới cũng được đẩy mạnh, nhằm học hỏi và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, việc thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Hà Nội mà còn tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chính quyền thành phố tiếp tục cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đồng thời mở rộng các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa nền công nghiệp của Thủ đô.