Công nghiệp hỗ trợ đóng góp lớn trong tổng trị giá xuất nhập khẩu
Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp hỗ trợ đóng góp lớn trong tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước, tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á. Trong đó, một số nhóm hàng tăng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 65,2 tỷ USD, tăng 26,3%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 50,2 tỷ USD, tăng 3,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 47,8 tỷ USD, tăng 21,6% ...
Hoạt động công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển, cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Ảnh: TH |
Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chỉ ra, tận dụng lợi thế về lao động, vị trí địa lý và chính trị ổn định, làn sóng đầu tư mới và mở rộng đầu tư vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao (điện tử, bán dẫn, ô tô,...) năm vừa qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển chuỗi cung ứng linh kiện, phụ tùng trong nước; lan tỏa và học hỏi khoa học công nghệ; hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Đáng chú ý, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP,...) đã mở ra cơ hội tiếp cận thị trường lớn, giảm thuế và thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chính sách hỗ trợ, ưu đãi từ Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và mở rộng sản xuất. Thị trường tiêu dùng tiềm năng với tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Nhu cầu nội địa về linh kiện, phụ tùng các ngành công nghiệp như ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày tăng mạnh.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, quy mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa, trình độ và nguồn vốn đầu tư phát triển hạn chế. Liên kết giữa doanh nghiệp FDI/ tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp nội địa còn lỏng lẻo. Xuất khẩu các mặt hàng linh kiện và phụ tùng vẫn chủ yếu thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các tập đoàn đa quốc gia đang đóng vai trò chủ đạo, trong đó đặc biệt là các tập đoàn của Hàn Quốc, Nhật Bản… đặc biệt ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.
Lãnh đạo Cục Công nghiệp nhìn nhận, dung lượng thị trường trong nước còn chưa khai thác được hết tiềm năng, chưa đảm bảo quy mô công suất sản xuất kinh tế đối với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; thiếu các doanh nghiệp dẫn đầu tầm cỡ khu vực và quốc tế nhằm đóng vai trò dẫn dắt nhằm tạo hệ sinh thái phát triển bền vững.
Tiếp tục hiện thực hoá các chính sách
Xác định rõ vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển lĩnh vực này. Trong đó Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ quy định các chính sách hỗ trợ (Nghị định 111), chính sách ưu đãi nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ. Các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm: Nghiên cứu và phát triển; ứng dụng và chuyển giao; phát triển nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế về công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ phát triển thị trường; trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ; chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, trong năm 2025, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng hiện đại và bền vững (Nghị định 111; Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026-2035; Chương trình Phát triển bền vững ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn 2035…).
Đồng thời, quản lý và triển khai hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ hàng năm nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn các địa phương trong công tác xây dựng, ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương; tăng cường liên kết doanh nghiệp trên địa bàn.
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Công nghiệp mới đây, ông Nguyễn Ngọc Thành- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp nhấn mạnh, năm 2025 cần đẩy nhanh công tác xây dựng các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Bắc và phía Nam trực thuộc Bộ Công Thương nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.
“Tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác với cơ quan Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, và các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp sản xuất lớn để triển khai các Chương trình/Dự án phát triển nhà cung cấp, chuyển đổi số cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhằm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”- lãnh đạo Cục Công nghiệp nói.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị phụ trách thị trường khu vực và các thương vụ tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối và đẩy mạnh chuỗi sản xuất toàn cầu, khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do và các cơ hội thị trường trong tình hình mới, tập trung vào các thị trường trọng điểm.
Ngoài ra, Cục Công nghiệp cũng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm để trình Chính phủ cho ý kiến. Dự kiến sẽ đăng ký bổ sung vào Chương trình xây dựng luật năm 2025-2026 của Quốc hội.
Việc xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm hướng đến việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với vai trò định hướng của Nhà nước; tập trung vào các chính sách, giải pháp hỗ trợ thúc đẩy các ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, trong từng thời kỳ, hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao; góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; thúc đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời, đảm bảo sự đồng bộ, thông suốt trong quản lý nhà nước thông qua tăng cường phân cấp, phân quyền; kế thừa, phát huy những quy định hiện hành đã được xây dựng, thực hiện ổn định; bổ khuyết những khoảng trống chính sách, pháp lý trong phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm.
Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm sẽ tập trung vào công nghiệp hỗ trợ cho các ngành: Dệt may, da - giày, cơ khí, điện tử, ô tô, công nghiệp công nghệ cao... Trong đó luật hóa các nội dung để nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất chất lượng trong các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ, trên cơ sở các giải pháp phát triển công nghiệp tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. |