Bim bim bẩn - phải triệt từ gốc
Hình ảnh lộn xộn, mất vệ sinh tại một góc xưởng sản xuất bim bim bẩn |
Nguyên liệu, quy trình sản xuất bim bim bẩn
Nếu có cơ hội tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất bim bim ở các cơ sở sản xuất bim bim tại các làng nghề ở La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) hay Tân Hội (huyện Đan Phượng, Hà Nội)… hẳn nhiều người sẽ ngay lập tức bỏ thói quen ăn bim bim trước đó.
“Kinh hoàng, hãi hùng” là những gì người ta dùng để miêu tả về các công đoạn sản xuất rất mất vệ sinh của các cơ sở này. Công nhân không bảo hộ lao động, không găng tay, mồ hôi nhễ nhại, đi chân đất xúc từng chậu bim đã trộn, đổ vào lò dầu đen sánh. Công đoạn trộn nguyên liệu được thực hiện ngay trên nền xi măng ẩm ướt. Khu nhà xưởng ngổn ngang máy móc, các can dầu chiên và bao tải nguyên liệu xếp thành từng chồng, bụi bám đầy…
Mất vệ sinh là vậy, nhưng điều đáng lo ngại hơn cả là nguyên liệu dùng để sản xuất các loại bim bim này chủ yếu không có tên tuổi, nhãn mác, một vài loại có nhãn mác thì lại là chữ của Trung Quốc. Kết quả thu giữ, kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thời gian qua cho thấy, các thông tin về thành phần nguyên liệu ghi trên vỏ túi bim bim như: Bột khoai, bột mỳ, đường tinh luyện, muối ớt, dầu ăn, mỳ chính và “không màu, không chất bảo quản” là hoàn toàn không đúng sự thật. Thậm chí, đa số các loại bim bim được sản xuất từ các cơ sở ở làng nghề đều sử dụng chất nhuộm màu nhân tạo Tartazine (ký hiệu E102) - nguyên liệu chỉ được dùng với hàm lượng cho phép, nếu sử dụng quá nhiều có khả năng gây ung thư, độc tính thần kinh và gây ra chứng hiếu động thái quá ở trẻ em. Vậy nhưng thực tế, không một loại bim bim nào có ghi về thành phần E102, và quá trình pha trộn của các cơ sở đa phần là “ang áng” chứ không có liều lượng chính xác.
Gần đây, các lực lượng chức năng liên tục thu giữ được những lô hàng là nguyên liệu sản xuất bim bim, hoặc bim bim thành phẩm, nhưng hầu hết đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, đăng ký chất lượng, đăng ký kinh doanh. Số lượng thu giữ lên đến cả vài tấn. Đây là thực tế vẫn báo động, vì với giá bán 1.000-2.000 đồng/gói, bim bim bẩn đang là món quà ăn vặt được hầu hết trẻ em lựa chọn, nhất là trẻ em ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bim bim bẩn tiêu thụ ở đâu?
Bim bim không rõ nguồn gốc bị thu giữ |
Ở làng La Phù có khoảng 100 cơ sở sản xuất bánh kẹo, trong đó có 10 cơ sở sản xuất bim bim. Vậy nhưng, tất cả các gia đình sản xuất bim bim ở đây đều không bao giờ cho con cháu sử dụng loại bim bim do chính họ sản xuất ra. Ngay cả người làm công ở các cơ sở sản xuất cũng không ai ăn loại bim bim này và khuyến cáo con cái, bạn bè, anh em, người thân không nên ăn kẻo sinh bệnh. Tuy nhiên, bim bim bẩn lại được tiêu thụ mạnh tại các cổng trường, chợ nông thôn, đặc biệt là chợ phiên ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa… Trong mỗi chuyến xe hàng vượt núi lên với các phiên chợ ở Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu…, xe nào cũng chất ngất những bịch bim bim bao gồm nhiều gói nhỏ, cả bim bim đóng thành cả túi bóng to (bán theo ki-lô-gam, theo lạng). Hàng đổ xuống chợ, đứa trẻ nào được mẹ mua cho một vài gói cũng vui mừng, hớn hở.
Khó có thể trách người bán khi thị trường hàng hóa thật - giả, an toàn và mất an toàn lẫn lộn; cũng không thể cấm những đứa trẻ kia khi món quà hiếm hoi của chúng vốn luôn là những gói bim bim xanh đỏ, rẻ tiền…
Thiết nghĩ, để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, trong đó chủ yếu là các em nhỏ, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để ngăn chặn nguồn cung nguyên liệu sản xuất bim bim không an toàn. Cùng với đó là sự giám sát, kiểm tra và xử phạt nghiêm minh với những cơ sở sản xuất bim bim bẩn. Khi đã chặn được phần gốc này rồi, chắc chắn việc tiêu thụ và sử dụng bim bim bẩn sẽ từng bước được ngăn chặn.