Chủ nhật 22/12/2024 21:54

Bắt tay hợp tác nâng tầm sản phẩm OCOP

Sự bắt tay hợp tác chiến lược giữa giữa “3 nhà” sẽ góp phần nâng tầm sản phẩm OCOP.

Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Agritrade) vừa hợp tác cùng TikTok và Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) tổ chức hoạt động Chợ phiên OCOP quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nằm trong khuôn khổ Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề 2023.

Phiên livestream kéo dài 4 tiếng đã thu hút hơn 20 triệu lượt tiếp cận, 370.000 người xem livestream

Phiên livestream kéo dài 4 tiếng đã thu hút hơn 20 triệu lượt tiếp cận, 370.000 người xem livestream, mang về hơn 400 triệu đồng doanh thu cho các cơ sở sản xuất làng nghề. Các sản phẩm được quảng bá trong buổi livestream đến từ 5 chủ thể tiêu biểu với gần 16 sản phẩm là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo từ làng gốm Bát Tràng, Hợp tác xã thổ cẩm xã Nhâm (A Lưới - Huế), Hợp tác xã nông nghiệp Cau xanh Đất Quảng…

Trước đó, ngày 10/11, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam 2023, Agritrade thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) chính thức tổ chức Lễ ký kết Biên bản hợp tác nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), và bảo tồn, phát triển làng nghề. Hoạt động này cũng đóng góp vào tiến trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Agritrade, TikTok và HDBank dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn. Hợp tác này huy động thêm được nhiều nguồn lực, đánh dấu những bước tiến mới cho định hướng phát triển chương trình OCOP.

Ký kết hợp tác giữa 3 đơn vị Agritrade, TikTok và HDBank

Theo đó, TikTok sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai các khóa tập huấn hỗ trợ nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP tại các tỉnh thành trong cả nước; khởi động nhiều chiến dịch truyền thông quảng bá nông đặc sản và sản phẩm làng nghề trên nền tảng nhằm thúc đẩy tương tác và kết nối giao thương giữa các đơn vị và người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, HDBank là ngân hàng thương mại dẫn đầu trong tín dụng xanh, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững với nhiều hỗ trợ tích cực những năm qua. Đồng hành cùng OCOP, HDBank sẽ tham gia tổ chức chuỗi hoạt động nâng cao kỹ năng số, triển khai những giải pháp hỗ trợ tài chính phù hợp và thiết thực cho các chủ thể của Chương trình.

Bên cạnh đó, nhằm giúp doanh nghiệp và bà con tiếp cận dễ dàng các sản phẩm dịch vụ, các gói vay ưu đãi, phát triển hệ thống Ngân hàng Số hạnh phúc, HDBank đã triển khai dự án website dịch vụ tài chính tại 63 tỉnh, thành, thiết lập kênh hỗ trợ khách hàng dễ dàng kết nối và giao dịch mọi lúc, mọi nơi.

Theo nội dung hợp tác, HDBank sẽ đồng tổ chức Cuộc thi Sáng tạo video ngắn “Hành trình vẽ Bản đồ Nông Sản Việt” về sản phẩm OCOP, nông đặc sản địa phương và sản phẩm làng nghề trên TikTok; đồng hành tổ chức chuỗi hoạt động livestream Chợ phiên OCOP quảng bá nông đặc sản địa phương với nhiều hoạt động thúc đẩy tiêu dùng và hỗ trợ chủ thể trên nền tảng số. Chợ phiên OCOP sẽ được tổ chức dưới hình thức phiên livestream trên nền tảng TikTok, kéo dài 4 - 6 tiếng.

Đến nay, HDBank đã đồng hành với Chợ phiên OCOP tại Hà Tĩnh, Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh (Cần Giờ), Lâm Đồng với nhiều kết quả tích cực, thu hút tổng lượt xem trên các video có gắn hashtag #HDBankdonghanhnongsanviet đạt hơn 140 triệu lượt xem. Doanh số bán hàng của Chợ phiên có trợ giá của HDBank đạt hàng tỷ đồng. Sắp tới HDBank sẽ tiếp tục mang Chợ phiên OCOP đến với nhiều địa phương khác, dự kiến như Bắc Ninh, Ninh Bình, Cà Mau, Thái Nguyên…

Trong chương trình hợp tác này, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Agritrade - chia sẻ: “Trong thời gian qua, Trung tâm và TikTok Việt Nam đã hợp tác tổ chức nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua Chợ phiên OCOP trên nền tảng TikTok, các chương trình đã đem lại sự lan tỏa và tạo được hiệu ứng rất tốt cho các địa phương và chủ thể tham gia Chương trình OCOP.

Việc ký kết thỏa thuận hợp tác lần này với TikTok Việt Nam, HDBank, trung tâm mong muốn sẽ nâng cao hiệu quả quảng bá cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề thông qua các chương trình livestream; hỗ trợ các chủ thể nâng cao kỹ năng số trong tiêu thụ sản phẩm; tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất và mở rộng quy mô".

Ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok Việt Nam cho biết: “Cùng sự phát triển thần tốc của thương mại điện tử và nền kinh tế số trong nước, sản phẩm nông thôn Việt ngày càng lớn mạnh trên thị trường quốc tế, khẳng định tiềm năng và chất lượng của sản phẩm nội địa. Tiếp nối chương trình dài hạn OCOP phối hợp cùng Agritrade, đội ngũ TikTok tự hào tham gia các hoạt động quảng bá các sản phẩm của làng nghề truyền thống và các loại hình thủ công mỹ nghệ Việt Nam, góp phần xúc tiến giao thương trong khu vực và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc đến bạn bè năm châu”.

Còn ông Nguyễn Văn Hảo - Phó Tổng giám đốc HDBank chia sẻ: “Với việc đồng hành cùng Chương trình OCOP, HDBank tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Qua đó trực tiếp tham gia cùng khách hàng của mình, hỗ trợ kết nối với người tiêu dùng trong chuỗi giá trị ở một trục chiến lược hoạt động là nông nghiệp và phát triển nông thôn, gắn với thế mạnh chuyển đổi số của HDBank trên thị trường hiện nay cũng như trong tương lai".

Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh chuyển đổi số đang là giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, các sản phẩm OCOP được phát triển dựa trên thế mạnh của từng địa phương, mang nét đặc trưng riêng về văn hoá bản địa.

Việc đa dạng hoá các hình thức xúc tiến thương mại, bao gồm việc đưa các sản phẩm này lên nền tảng số được xem là bước đi tất yếu, góp phần mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Chuyển đổi số

Tin cùng chuyên mục

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 1- OCOP, làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn

Cà phê Bích Thao Sơn La tiếp tục đạt OCOP 5 sao

Hà Nội - Hà Giang kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản tiêu biểu

Sóc Trăng: Khai mạc Hội chợ OCOP và Liên hoan ẩm thực đường phố

Hàng trăm gian hàng sản phẩm OCOP vùng miền quy tụ tại TP. Hồ Chí Minh

Thị xã Quảng Yên: Hội đồng OCOP đánh giá kỹ lưỡng chất lượng 12 sản phẩm

Vĩnh Phúc có 141 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP

Sóc Trăng: 350 gian hàng sẽ quy tụ tại Hội chợ xúc tiến thương mại OCOP năm 2024

Đưa hàng Việt chất lượng cao đến với người tiêu dùng Nam Định

Bình Dương đẩy mạnh xúc tiến thương mại nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Tuyên Quang: Lần đầu xuất khẩu sản phẩm OCOP sang Vương quốc Anh

Bố Trạch- Quảng Bình: Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Trung tâm đặc sản Việt Nam: Hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ hàng Việt Nam

Thanh Hóa: Chủ thể OCOP cần sáng tạo để tăng khả năng cạnh tranh, đưa sản phẩm ra thị trường lớn

Tại sao sản phẩm OCOP Thanh Hóa chưa thể bứt phá?

''Bắt bệnh'' lý do sản phẩm OCOP vẫn còn vắng bóng tại các siêu thị

Đà Nẵng: Phiên chợ OCOP hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Mở 'cánh cửa' cho sản phẩm OCOP vào siêu thị, chuỗi bán lẻ, sàn thương mại điện tử

Kết nối giao thương sản phẩm OCOP Quảng Nam với các nhà cung cấp Đà Nẵng

Quảng Nam và Đà Nẵng 'bắt tay' quảng bá sản phẩm OCOP