Bao nhiêu doanh nghiệp FDI có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu?
Bộ trưởng Bộ Tài chínhHồ Đức Phớc cho biết theo thống kê của bộ, hiện có 1.015 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024.
"Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12 ngàn tỉ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tưcủa Việt Nam" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Những phân tích trên của người đứng đầu ngành Tài chính được đưa ra tại Hội thảo Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 18/4/2023.
Về sự chuẩn bị của Việt Nam trước các chính sách thuế, Bộ trưởng Tài chính cho biết Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu. Bộ Tài chính với vai trò của mình cũng đã thực hiện các nhiệm vụ có liên quan dưới sự chỉ đạo của Chính phủ.
Nhấn mạnh Thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề mới, quan trọng và có nhiều yếu tố kỹ thuật, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng cần tham vấn ý kiến của các bên liên quan, kinh nghiệm của các nước để có đánh giá tác động và khuyến nghị.
Hội thảo khoa học về chính sách thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam |
Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý cần đánh giá đầy đủ, toàn diện các tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam, trong đó tập trung đánh giá tác động đến ngân sách Nhà nước, nhà đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Qua đó, có những giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam cũng như sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì số thu ngân sách về thuế thu nhập doanh nghiệp không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, nếu Việt Nam áp dụng Quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu ngân sách.
Trường hợp Việt Nam không thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung thì toàn bộ số thu được ưu đãi cho các doanh nghiệp hiện tại sẽ được các nước phát triển có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó.
Mặt khác, khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đối với những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu và có công ty con ở nước khác có số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế thấp hơn mức tối thiểu thì sẽ thu thêm được thuế thu nhập doanh nghiệp từ những doanh nghiệp này, từ đó tăng thu ngân sách.