Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho dừa sáp Trà Vinh
Dừa sáp Trà Vinh là loại đặc sản lọt top 50 đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Tỉnh Trà Vinh đã triển khai đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho dừa sáp và ký kết hợp đồng với đơn vị chủ trì nhiệm vụ, triển khai dự án từ ngày 29/8/2023. Thời gian thực hiện 24 tháng, với tổng kinh phí gần 1,6 tỷ đồng.
Tỉnh Trà Vinh hiện có 750ha dừa sáp, tập trung chủ yếu ở huyện Cầu Kè, đã có đăng ký chỉ dẫn địa lý; trong đó có 70ha được các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Vùng nguyên liệu này có khả năng cung ứng cho nhu cầu thị trường hơn 2,3 triệu trái sáp/năm, và tỉnh đang có kế hoạch mở rộng diện tích lên 5.000ha theo hướng chọn giống cho tỷ lệ trái sáp cao.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho dừa sáp Trà Vinh |
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh, hiện tại tỉnh có 1 chỉ dẫn địa lý đăng ký được triển khai thực hiện: Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho dừa sáp tỉnh Trà Vinh. Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành ký kết hợp đồng với đơn vị chủ trì nhiệm vụ (Trung tâm CIPTEK TP. Hồ Chí Minh) bắt đầu triển khai dự án từ ngày 29/8/2023 đến ngày 28/8/2025 (24 tháng), tổng kinh phí đã được phê duyệt gần 1,6 tỷ đồng.
Giai đoạn 2024 - 2025, Trà Vinh sẽ tiếp tục triển khai tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đậu phộng; đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm khô Vinh Kim, sản phẩm cua biển và dưa hấu.
Năm 2024, triển khai 2 nhiệm vụ: Tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” và xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm đậu phộng của tỉnh; đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý “Vinh Kim” cho sản phẩm tôm khô của huyện Cầu Ngang.
Năm 2025, triển khai 2 nhiệm vụ: Đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho sản phẩm cua biển của tỉnh; đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý “Cầu Ngang” cho sản phẩm dưa hấu của huyện Cầu Ngang.
Về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh triển khai thí điểm ứng dụng quản lý truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ giao dịch trên sàn thương mại điện tử tỉnh từ năm 2021-2022 với tổng kinh phí gần 1,3 tỷ đồng.
Kết quả, xây dựng truy xuất nguồn gốc cho 8 công ty: Công ty TNHH MTV Thương mại - Sản xuất Phú Quới; Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân; Cơ sở tôm cá khô Tiến Hải; Cơ sở bánh tráng Ngọc Đáng; Doanh nghiệp tư nhân Phong Vinh ...
Bên cạnh đó, tiếp nhận đăng ký và mở gian hàng điện tử trên sàn thương mại điện tử Azuamua.com cho 5 cơ sở có sản phẩm đặc sản, đặc thù, sản phẩm tham gia chương trình OCOP và kết nối liên thông dữ liệu vào sàn thương mại điện tử quốc gia. Xây dựng nền tảng dữ liệu điện tử hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh Trà Vinh. Áp dụng tem truy xuất nguồn gốc cho 3 sản phẩm (gạo của Hợp tác xã nông nghiệp Dân Tiến, bưởi da xanh của Hợp tác xã bưởi da xanh Hùng Hòa, dưa lưới của Hợp tác xã nông nghiệp Phú Cần).
Dừa sáp hay còn gọi dừa kem, đây một loại dừa đặc sản nổi tiếng ở Trà Vinh. Tuy về hình thức không có gì khác biệt so với những trái dừa khác nhưng bên trong cùi rất dày và mềm dẻo như bột quánh lại, đặc sệt gần hết phần không gian bên trong gáo dừa.
Một cây dừa sáp mỗi năm chỉ cho vài chục quả, nhưng trong số này chỉ có khoảng 1/3 có sáp, những trái còn lại là dừa thường. Chính vì mỗi buồng dừa chỉ có khoảng 2 - 3 trái dừa sáp, số lượng không đủ để cung ứng ra thị trường nên giá thành dừa sáp khá đắt.