Khẳng định vai trò trụ cột chính của an sinh xã hội, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội đã tích cực phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, đưa chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đến gần hơn với người dân.
Đảm bảo an sinh
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện (BHTN) của Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn. Để thích ứng với tình hình, bà Đàm Thị Hòa - Phó Giám đốc BHXH TP. Hà Nội- cho biết, thời gian qua, BHXH thành phố đã chủ động tham mưu Thành ủy, UBND thành phố ban hành 58 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT kịp thời. Những văn bản này mang tính khả thi cao, có tác dụng chỉ đạo định hướng, thực hiện chính xác, thống nhất các chủ trương của thành phố, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội nỗ lực đảm bảo an sinh trên địa bàn |
Bên cạnh đó, BHXH TP. Hà Nội cũng đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, UBND quận, huyện, thị xã, đơn vị sử dụng lao động tổ chức 1.306 cuộc tuyên truyền, tư vấn, đối thoại, tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp, người lao động về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; hướng dẫn cài đặt VssID-BHXH số tại 30 quận, huyện, thị xã với hơn 186.000 lượt người tham dự. Đặc biệt, ngành cũng công khai danh sách các doanh nghiệp nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với quyền lợi của người lao động.
Với quyết tâm cao trong hệ thống ngành BHXH, đến nay, trên địa bàn thành phố, tỷ lệ người tham gia BHXH bắt buộc so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 40%; tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 1,5%. Công tác quản lý chi và giải quyết các chế độ được giám sát chặt chẽ theo quy định của pháp luật, đầy đủ, kịp thời, bảo đảm đúng đối tượng. Số người hưởng chế độ BHXH qua ATM tăng hàng năm.
Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, BHXH thành phố đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ BHTN cho trên 1,6 triệu lao động với tổng số tiền trên 4 nghìn tỷ đồng; thời gian giải quyết chính sách hỗ trợ được rút ngắn 50% so với thời gian quy định tại Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. BHXH thành phố cũng đã kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. BHXH thành phố đã gửi thông báo cho các đơn vị, doanh nghiệp, tạm tính số tiền hỗ trợ giảm mức đóng Quỹ Tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp 12 tháng (từ tháng 7/2021 - 6/2022) đối với 87.516 đơn vị, doanh nghiệp tương ứng 1.447.150 lao động với số tiền tạm tính hơn 643 tỷ đồng (thực hiện giảm theo từng tháng).
Theo bà Đàm Thị Hòa, dấu ấn của công tác BHXH thành phố chính là số lượng thủ tục hành chính liên quan đến BHXH giảm từ 263 thủ tục năm 2009 xuống còn 115 năm 2014; từ năm 2020 đến nay còn 25 thủ tục, tương đương giảm 90,4%. “Việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính được duy trì thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo 3 hình thức: Giao dịch trực tiếp tại bộ phận “một cửa” cơ quan BHXH; giao dịch hồ sơ điện tử và giao dịch qua dịch vụ bưu chính công ích; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong các lĩnh vực BHXH” - bà Đàm Thị Hòa cho hay.
Kiểm soát nợ đóng bảo hiểm xã hội
Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. Hà Nội về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH trên địa bàn thành phố từ năm 2017 đến nay, lãnh đạo BHXH TP. Hà Nội cho biết, vẫn còn tình trạng nhiều đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH, không tham gia BHXH hoặc tham gia BHXH không đầy đủ cho người lao động. Trong đó, nhiều doanh nghiệp không khai báo sử dụng lao động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động, không tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động hoặc chỉ khai báo và tham gia với số lượng ít hơn thực tế.
Chính sách hỗ trợ người lao động kịp thời |
Nhằm kiểm soát tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, tính đến hết tháng 5/2022, BHXH thành phố đã thực hiện 1.184 cuộc thanh tra, kiểm tra trực tiếp; 1.381 cuộc thanh tra chuyên ngành trên cơ sở rà soát dữ liệu, đôn đốc các đơn vị nộp tiền, thanh tra, kiểm tra điện tử. Số tiền thu hồi được sau thanh tra, kiểm tra là 134,9 tỷ đồng (đạt 43,1%); đã yêu cầu đóng và truy đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 96 lao động với số tiền đề nghị truy đóng là 2,09 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BHXH thành phố đã ban hành văn bản đôn đốc nợ đối với 8.306 đơn vị, đến nay đã thu hồi được 289,9 tỷ đồng, có 3.007 đơn vị khắc phục được toàn bộ số nợ.
Với quyết tâm giảm nợ đóng BHXH, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Giám đốc BHXH TP. Hà Nội Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, lãnh đạo BHXH TP. Hà Nội yêu cầu BHXH các quận, huyện, thị xã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH TP. Hà Nội, các chương trình chỉ đạo, hành động của UBND thành phố để thực hiện hiệu quả công tác giảm nợ BHXH. Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm của cán bộ chuyên quản thu trong đôn đốc giảm nợ BHXH dưới 6 tháng; bám sát, nắm rõ tình hình thu để chủ động kịp thời đưa ra giải pháp thực thi nhiệm vụ.
Trước một số tồn tại và vướng mắc về thực hiện quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Thanh Bình đề nghị, BHXH thành phố cần khẩn trương chỉ đạo trong hệ thống khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là về số nợ đọng, xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH... Đồng thời, cần có các giải pháp để hoàn thành tốt chỉ tiêu nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025; chủ trì, thường trực tham mưu triển khai thực hiện tốt các chủ trương về BHXH theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; tăng cường sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện tốt mục tiêu, nhất là về BHXH tự nguyện, đóng góp vào an sinh xã hội thành phố.
Bênh cạnh đó, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Thanh Bình yêu cầu BHXH TP. Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tìm những giải pháp mới cũng như phương pháp tiếp cận đối tượng hiệu quả hơn; tập trung quản lý thu hồi nợ, trong đó, khi tổ chức thanh tra, kiểm tra cần hướng sâu tới những vi phạm tại doanh nghiệp để có giải phápthu hồi nợ hiệu quả.“Trong công tác chi trả chế độ BHXH, thời gian qua, đã tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp lên hơn 90%, nhưng phải tiếp tục chặt chẽ, minh bạch, thuận lợi, không để xảy ra vi phạm” - ông Bình yêu cầu.UBND thành phố Hà Nội vừa xây dựng Dự thảo Tờ trình đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, ban hành mức hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người dân tham gia BHXH tự nguyện nhằm phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025. |