Vượt khó hoàn thành mục tiêu
Ông Hoàng A Chinh - Trưởng Ban quản lý KKT Hà Giang - cho biết, năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng hầu hết các ngành, lĩnh vực, Ban Quản lý đã thực hiện tốt vai trò là đầu mối trong thực hiện công tác quản lý nhà nước tại KCN, KKT. Tăng cường phối hợp, chủ động đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư trong KCN, KKT; thực hiện chặt chẽ theo đúng các quy trình, quy phạm trong công tác quản lý Nhà nước trong quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường...
Tập thể Ban lãnh đạo đã lãnh đạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan chủ động, nghiêm túc, tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; phối hợp cùng các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân chung tay tháo gỡ khó khăn, từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra.
Khu công nghiệp |
Ông Hoàng A Chinh thông tin cụ thể, về công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, trong năm 2021, Ban Quản lý đã tích cực phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh, cung cấp thông tin về diện tích đất, địa chỉ lô đất tại KCN, KKT để thu hút các dự án đầu tư vào KCN, KKT.
Đến nay, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐT) vào KCN Bình Vàng cho 19 dự án với tổng số vốn đăng ký là 4.924,41 tỷ đồng, chủ yếu là đầu tư kinh doanh lĩnh vực chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng; tỉ lệ lấp đầy của KCN Bình Vàng (Giai đoạn I) đạt trên 94%. Tại KKT cửa khẩu Thanh Thủy, đã có 42 dự án được cấp GCNĐT, với tổng mức vốn đăng ký đầu tư là 2.861,85 tỷ đồng với các ngành nghề kinh doanh: Kho, bãi, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng kinh doanh…
Ở công tác quản lý dự án đầu tư, công tác cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Các dự án được đăng ký, thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư đúng quy hoạch sử dụng đất, theo chủ trương của tỉnh.
“Ban quản lý đã thực hiện giám sát, kiểm tra, cập nhật theo dõi tiến độ các dự án, kịp thời giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Hầu hết các dự án đang trong thời gian miễn giảm tiền thuê đất theo Nghị định số 35/NĐ-CP ngày03/4/2017 của Chính phủ. Các doanh nghiệp đều nghiêm túc chấp hành các quy định Luật Đầu tư và các quy định liên quan khi thực hiện dự án đầu tư trong KCN, KKT” – ông Hoàng A Chinh nhấn mạnh.
Khắc phục hạn chế, tiếp tục thu hút đầu tư
Song song với các kết quả đã đạt được, ông Hoàng A Chinh cũng thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn hạn chế của trong hoạt động của Ban quản lý KKT Hà Giang.
Theo đó, hạ tầng KCN, KKT cửa khẩu chưa được đầu tư đồng bộ, công tác giải phóng mặt hàng gặp nhiều khó khăn vướng mắc dẫn đến hạn chế trong công tác thu hút dự án đầu tư ngoài ngân sách vào KCN, KKT. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư vào KKT Cửa khẩu Thanh Thủy đều có quy mô nhỏ, chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược làm nhân tố tạo động lực thu hút các thành phần kinh tế khác. Nguồn lực đầu tư hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước trong khi đó nguồn ngân sách hàng năm bố trí không nhiều dẫn đến việc triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng các cửa khẩu còn chậm, không đồng bộ.
Đặc biệt, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng tới các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong KCN, KKT. Chưa kể, hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu phần lớn phụ thuộc vào chính sách phát triển của phía Trung Quốc. Việc phía Trung Quốc thường xuyên thay đổi chính sách cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động tại cửa khẩu, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và thu hút đầu tư.
Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý KKT, Nghị định 82 chưa phải là khung pháp lý cao nhất nên một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý KCN, KKT do một số Luật khác điều chỉnh, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Nghị định số 82/2018/NĐ-CP chưa có quy địnhvề Thanh tra chuyên ngành tại khu công nghiệp, khu kinh tế và các quy định chế tài liên quan để Ban Quản lý chủ động thực hiện kiểm tra, thanh tra các nhiệm vụ trên; không quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Ban Quản lý. Do vậy, vị trí, vai trò và hiệu quả quản lý của Ban Quản lý KKT còn hạn chế…
Khắc phục các khó khăn, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, trong các tháng cuối năm 2021, Ban quản lý KKT Hà Giang sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh thu hút đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư đến đầu tư vào KCN như: Dự án sản xuất bê tông bê tông thương phẩm của Công ty An Phú Hà Giang; Dự án sản xuất gỗ công nghiệp của Công ty CP Công nghệ HG; Dự án Sản xuất, lắp ráp máy nông nghiệp của Công ty CP MTX Thanh Hà; Dự án Ứng dụng công nghệ vi sinh đa chức năng sản xuất phân hữu cơ vi sinh HAMINT từ chăn nuôi và phụ phế phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang của Công ty CP Khoa học và Công nghệ HAMINT... tại KCN Bình Vàng; Dự án tổ hợp thương mại dịch vụ của Công ty TNHH Minh Sơn; Dự án tổ hợp thương mại logistics của Tập đoàn Công ty VIDEC tại KKT cửa khẩu Thanh Thủy; Dự án vườn sâm thủ phủ Hà Giang của Công ty An toàn thực phẩm Hà Nội, hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đầu tư khi đến đăng ký thực hiện dự án đầu tư.
“Ngoài ra, phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin về diện tích đất, địa chỉ lô đất tại KCN, KKT để thu hút các dự án đầu tư vào KCN, KKT. Kịp thời tổng hợp các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp trong phạm vi, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý để xử lý hoặc chuyển tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết” – ông Chinh khẳng định.