Chủ nhật 22/12/2024 19:53
Nghệ An: Thúc đẩy thương mại biên giới, miền núi

Bài 3: Cần chiến lược dài hơi phát triển thương mại biên giới

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về hạ tầng thương mại biên giới… Nghệ An cần có đột phá trong quy hoạch và chiến lược phát triển dài hơi.

Việc phát triển thương mại biên giớigiữa tỉnh Nghệ Anvới các tỉnh của Lào hiện còn nhiều khó khăn và hạn chế. Ðể khơi thông tiềm năng hợp tác thương mại, Chính phủ hai nước cần có chính sách ưu đãi đặc thù, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư phát triển hạ tầng biên giới.

Trên cơ sở các hiệp định thương mại song phương được ký kết và các văn bản pháp luật được Chính phủ ban hành, UBND tỉnh Nghệ Anđã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, thương nhân hai bên trao đổi, mua bán, xuất, nhập khẩu hàng hóa. Nhờ đó, thời gian qua, đã có hàng trăm nghìn lượt người và phương tiện qua lại để thăm người thân, làm việc, trao đổi mua bán hàng hóa, tham quan du lịch. Công tác thông quan hàng hóa, phương tiện, xuất, nhập cảnh... được hai bên phối hợp thực hiện thuận lợi.

Phương vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa Khẩu

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 cũng đã xác định: Đẩy mạnh phát triển Khu Kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy, nâng cấp Cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy thành cửa khẩu quốc tế, trở thành đầu mối giao thương quan trọng với Lào, Thái Lan, Myanmar. Đây là cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển kinh tế cửa khẩu giữa Nghệ An và nước bạn Lào.

Về tổng thể, Nghệ An đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước và trở thành một cực phát triển quan trọng trong hành lang kinh tế Đông – Tây nối Việt Nam – Lào và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam – Lào đến năm 2020 được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 6076/QĐ-BCT ngày 15/10/2012 thì khu vực miền Tây Nghệ An có 30 chợ biên giới. Hiện đã có 7 chợ biên giới đang hoạt động. Với hệ thống cửa khẩu, lối mở trên địa bàn đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán, giao thương, trao đổi hàng hóa, phương tiện qua lại biên giới và đi lại của người dân. Để thúc đẩy kim ngạch xuất, nhập khẩu và tạo điều kiện tốt hơn trong quá trình thông quan hàng hóa, UBND tỉnh Nghệ An đã và đang từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, bố trí lực lượng tại hệ thống cửa khẩu, lối mở và nhiều lần hội đàm với chính quyền các tỉnh biên giới Lào để đề xuất nâng cấp một số cặp cửa khẩu phụ, lối mở.

Với hệ thống cửa khẩu, lối mở trải dài dọc tuyến biên giới, miền Tây Nghệ An có vị trí chiến lược về kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng và đối ngoại. Hiện tại, khu vực này đã có nhiều cơ chế, chính sách đầu tư, nhiều mô hình phát triển kinh tế đã mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, việc phát triển du lịch sinh thái kết hợp khám phá các đặc sắc văn hóa, truyền thống tại khu vực này ngày càng phát triển sẽ mở ra cơ hội lớn để phát triển du lịch, kết nối với khu vực Trung Lào.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về hạ tầng thương mại biên giới… Nghệ An cần có đột phá trong quy hoạch và chiến lược phát triển dài hơi (Trong ảnh: Chợ phiên Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn)

Tuy nhiên, theo Sở Công Thương Nghệ An trên thực tế việc phát triển thương mại biên giới giữa tỉnh Nghệ An với các tỉnh của nước bạn Lào vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Các mặt hàng xuất, nhập khẩu giữa 2 nước còn phần lớn là các sản phẩm thô, chưa qua chế biến, có giá trị gia tăng không cao. Chưa kể, thực tế hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu, lối mở ở Nghệ An còn yếu kém, lạc hậu. Những năm qua, dưới tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động thương mại giữa hai bên, khiến kim ngạch xuất, nhập khẩu Nghệ An – Lào có sự sụt giảm.

Ông Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch UBND huyện biên giới Kỳ Sơn cho biết: Các địa phương hai bên Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn còn nghèo nên việc phát triển kinh tế quanh khu vực cửa khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Các công trình cơ bản như trung tâm thương mại, hệ thống cửa hàng giới thiệu, mua, bán hàng hóa và khu dịch vụ thương mại biên giới đều thiếu. Hơn nữa, do từ cửa khẩu đến các trung tâm kinh tế lớn khá xa nên đã phần nào hạn chế việc kết nối, phát triển. Vì thế, để khu vực cửa khẩu được phát triển thì cần phải có sự đầu tư lớn cả phía nước ta và nước bạn, khi kinh tế phát triển mới có thể thúc đẩy các hoạt động giao thương đi lên.

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cũng chia sẻ, tiềm năng, cơ hội giao thương khu vực cửa khẩu của tỉnh rất lớn; chủ trương về phát triển cửa khẩu, thương mại biên giới được Đảng, Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, cũng theo ông Hoá từ chủ trương đến hiện thực còn là quá trình dài, việc thực hiện rất khó khăn, đòi hỏi giải pháp tổng thể, đồng bộ. Trong đó, một trong những khó khăn đặt ra hiện nay là vấn đề phát triển hạ tầng kinh tế cửa khẩu.

Chợ biên giới Nậm Cắn (Kỳ Sơn) thu hút hàng ngàn người đến tham quan, mua sắm mỗi phiên

Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại khu vực các cửa khẩu, đòi hỏi các cấp, ngành cần nhanh chóng khắc phục những rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho người và hàng hóa qua biên giới. Tiếp tục đổi mới chính sách quản lý xuất, nhập khẩu, đơn giản hóa các thủ tục hải quan theo chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng hơn, tăng cường đầu tư vào kết cấu hạ tầng.

Ở tầm vĩ mô, cần triển khai xây dựng các văn bản pháp luật làm cơ sở cho việc thu hút hoạt động đầu tư, nhất là tại các khu kinh tế cửa khẩu, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho các hoạt động thương mại tại khu kinh tế và thông thương tại cửa khẩu quốc tế. Hỗ trợ, ưu đãi các nhà đầu tư vào những địa bàn vùng biên giới hai nước ở các lĩnh vực, như chế biến nông sản, thủy sản, chăn nuôi gia súc lớn… tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội, xúc tiến đầu tư trên địa bàn.

Để góp phần đẩy mạnh tiềm năng hợp tác với nước bạn Lào, doanh nghiệp hai nước cần sớm nghiên cứu, phát triển nhanh hệ thống dịch vụ, logistics nhằm kết nối, vận chuyển hàng hóa của Lào, Thái Lan và khu vực, thông qua hệ thống cảng biển quốc tế ở Nghệ An và cũng như tại các địa phương khác ở Việt Nam cùng hệ thống giao thông nước bạn Lào…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cho rằng, hai nước cần nghiên cứu, rà soát cơ chế chính sách phát triển thương mại biên giới để đề xuất Chính phủ hai nước có chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù vào phát triển hạ tầng biên giới, trong đó chú trọng chính sách phát triển hạ tầng thương mại biên giới đất liền. Ðặc biệt đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư và xây dựng hạ tầng thương mại biên giới cũng như tăng cường hội đàm, trao đổi song phương các vấn đề phát sinh về quản lý, xây dựng cửa khẩu, lối mở, vận tải hàng hóa thuận lợi...

Một vấn đề quan trọng là Chính phủ, các bộ, ngành liên quan hai nước cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn qua cửa khẩu Thanh Thủy và sớm công bố cửa khẩu Nậm On (tỉnh Bôlykhămxay) thành cửa khẩu chính, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Mặt khác, hai nước cần quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư, nâng cấp xây dựng hệ thống chợ, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật thương mại cho các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào nói chung và Nghệ An - Lào nói riêng, nhất là cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các cửa khẩu liên quan...

(Hết)

Hoàng Trinh - Tùng Chi
Bài viết cùng chủ đề: Nghệ An

Tin cùng chuyên mục

Lạng Sơn: cô gái Nùng khởi nghiệp thành công với hồng vành khuyên treo gió

Lạng Sơn: đưa con chữ đến từng bản làng

Sơn La: nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Hà Nội: Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025 có gì đặc sắc?

Sơn La: Các hộ dân nghèo xã Chiềng Kheo được hỗ trợ ổn định nhà ở

Lạng Sơn: Chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số và người có công

Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc trong phát triển kinh tế

Sắc màu văn hóa các dân tộc tỉnh Lai Châu tại TP. Đà Nẵng

Bài 3: Cơ hội cho Hà Giang chuyển mình

Sơn La: Hiệu quả cao từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

Lạng Sơn: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Chú trọng giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững

Bắc Giang giành 2 giải A tại liên hoan nghệ thuật các dân tộc lần thứ VII năm 2024

Bài cuối: Đảng ta là Đảng vì nước, vì dân

Bắc Giang: Tặng Bằng khen 6 tập thể, 16 cá nhân đóng góp phát triển vùng dân tộc thiểu số

Bài 2: Động lực 'tiên quyết' giúp đồng bào Hà Giang phát triển

Bài 1: Những quyết sách mang ý Đảng, lòng dân

Hội nghị biểu dương đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Nẵng lần thứ II năm 2024

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu: Hướng đến 11 mục tiêu