Bài 2: Lĩnh vực công thương là một trong những trọng điểm của chiến lược “diễn biến hòa bình”
Đã từng cay đắng thất bại trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, nay các thế lực thù địch lớn tiếng tuyên bố sẽ “thắng Việt Nam trong hòa bình”, “thắng Việt Nam bằng kinh tế thị trường” và lĩnh vực công thương được xác định là một trong những trọng điểm của chiến lược “diễn biến hòa bình” (DBHB).
Từ chuyện tăng giá điện…
Đầu tháng 5 vừa qua, nhiều trang mang phản động, điển hình là trang của tổ chức khủng bố Việt Tân đã lên tiếng “bênh vực” người dân khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thông báo kể từ ngày 4-5-2023, giá điện bán lẻ bình quân chính thức tăng thêm 3%, lên mức 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Sẽ là điều rất đáng hoan nghênh nếu sự “bênh vực” đó có lý, có tình. Thế nhưng, hãy xem những lời lẽ của cái được gọi là bênh vực đó: “Giá điện năm nào cũng tăng”, “Giá điện tăng do lãnh đạo EVN tham nhũng dẫn đến tập đoàn EVN lỗ và người dân phải gánh chịu”; “Mùa hè đến, nhiệt độ tăng, giá điện cũng tăng”, “Chẳng có quốc gia nào mà giá điện lại tăng cao và liên tục tăng như ở Việt Nam”… Có thể thấy rõ, đằng sau cái gọi là “bênh vực cho người dân” là ẩn ý kêu gọi xóa bỏ vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực điện lực, xóa bỏ doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy sự cạnh tranh tự do theo xu thế của tư bản chủ nghĩa, suy đoán cái gọi là “sự vô lý của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa”, từ đó kêu gọi Đảng cộng sản Việt Nam từ bỏ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội… Rõ ràng, từ việc tăng giá điện đã được các thế lực thù địch chuyển sang DBHB.
Thực tế là không phải năm nào Việt Nam cũng tăng giá điện, Lần tăng gần nhất vào hồi tháng 3-2019 (cách đây hơn 4 năm). Đứng ở góc độ người tiêu dùng, đương nhiên không ai muốn tăng giá, song đứng ở góc độ quản lý trên bình diện quốc gia thì việc giá điện tăng là không tránh khỏi.
Theo báo cáo của EVN, năm 2022 tập đoàn này thua lỗ 26.235,78 tỷ đồng trong bối cảnh giá đầu vào tăng vọt. Khoản lỗ này còn chưa tính đến 14.700 tỷ đồng khoản tiền chênh lệch tỷ giá hiện vẫn chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022. Với tình hình thua lỗ như vậy, muốn không tăng giá điện là điều không thể có.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, mức tăng 3% của giá điện bán lẻ bình quân sẽ tác động trực tiếp (vòng 1) làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thêm 0,099%, đồng thời tác động gián tiếp (vòng 2) khoảng 0,18%. Nếu tính tác động đến giá thành các nhà sản xuất sử dụng điện nhiều thì giá thành sản xuất thép tăng khoảng 0,18%, giá thành sản xuất xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy khoảng 0,4%...
Đối với người tiêu dùng, phía EVN cho biết, với những hộ gia đình sử dụng 500kWh thì số tiền tăng thêm khoảng 36.000 đồng còn bình quân 200kWh, số tiền tăng là 11.100 đồng. Như vậy, mức tác động của đợt tăng giá điện lần này lên lạm phát là không quá lớn. Không phải là “tăng khủng khiếp” như một số người tuyên bố trên mạng xã hội. Mức tăng 3% theo đánh giá của nhiều chuyên gia là thấp trong bối cảnh chi phí mua điện tăng cao (giá than pha trộn năm 2022 tăng bình quân 34,7-46,4%; giá than nhập khẩu cũng tăng mạnh; giá khí thị trường bình quân tăng 27,4% so với bình quân năm 2021). Với mức tăng 3%, doanh thu 8 tháng cuối năm 2023 của EVN sẽ tăng thêm hơn 8.000 tỷ đồng. Như vậy, việc tăng giá điện như hiện tại về kỹ thuật cũng chỉ giúp EVN giảm bớt khó khăn, còn liệu có thoát lỗ hay không, xử lý thế nào với khoản lỗ "tỷ đô" đang treo… vẫn đang là bài toán khó. Trước đó, trong một báo cáo gửi Bộ Công Thương, EVN đã tính toán tổng lỗ sản xuất kinh doanh 2 năm 2022 và 2023 lên tới 93.817 tỷ đồng.
Thực tế không phải giá điện bán lẻ bình quân chỉ tăng mà không giảm như một số người phê phán trên mạng xã hội mà trong năm 2021, EVN cũng đã nhiều lần giảm tiền điện, giảm giá điện cho khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Có lẽ, ai cũng biết rằng, điện là một nguồn năng lượng quan trọng, là mặt hàng đặc biệt, cung - cầu giữa sản xuất và tiêu dùng luôn cân bằng tại mọi thời điểm; gần như không thể lưu trữ với chi phí thấp. Điện tác động đến mọi đối tượng và toàn bộ nền kinh tế. Tiết kiệm điện là mục tiêu chiến lược của mỗi quốc gia, bởi nhu cầu điện ngày càng tăng, nhưng tài nguyên cho sản xuất điện lại không phải là vô tận. Nhu cầu điện trên đầu người của Việt Nam tuy còn thấp so với nhiều nước, nhưng hằng năm đều tăng. Bảo đảm nguồn cung về điện cho quốc kế, dân sinh luôn là một thách thức. Rất nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines... đều áp dụng nhiều biện pháp đánh vào kinh tế thông qua giá, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Vì vậy, việc tăng giá điện thêm 3% vào lúc này là điều chấp nhận được.
… Đến những cái nhìn phiến diện về lĩnh vực công thương
Không chỉ ngành điện mà trong những năm gần đây, chiến lược DBHB đã có sự chuyển hướng nhiều hơn vào kinh tế, trọng tâm là lĩnh vực công thương. Các thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước ta bằng nhiều hình thức, như: tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận lý luận kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của Đảng, chính sách của Nhà nước; tiến hành phá hoại nền kinh tế thông qua các hoạt động viện trợ, đầu tư, liên doanh, liên kết; lôi kéo, dụ dỗ, làm tha hóa đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, nhất là trong lĩnh vực công thương.
Các thế lực thù địch cho rằng, kinh tế thị trường mang bản chất chủ nghĩa tư bản (CNTB), không thể dung hòa với tính định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), do đó, trong chế độ XHCN không thể tồn tại kinh tế thị trường mà chỉ là mô hình cóp nhặt. Thậm chí có luận điểm cho rằng, Việt Nam thừa nhận kinh tế thị trường chính là đang mở đường cho quan hệ sản xuất Tư bản chủ nghĩa phát triển, nhất là khi Đảng ta xác định phát triển thành phần kinh tế tư nhân “trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Họ không nhận thức được rằng, nước ta thừa nhận vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân với phương diện là con đường để huy động vốn, phát triển khoa học - công nghệ, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân chứ không phải là mục tiêu của nhiệm vụ xây dựng quan hệ sản xuất mới.
Ở một góc độ khác, để đảm bảo yếu tố định hướng XHCN, nền kinh tế thị trường ở nước ta không phải là hoàn toàn tự do mà có “khuôn khổ” - đó là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN. Thế nhưng, các thế lực thù địch lại dùng chiêu bài khuếch đại nợ công, lợi dụng một số doanh nghiệp nhà nước, trong đó có các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Công thương làm ăn thua lỗ và một số cán bộ cấp cao vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý… để tuyên truyền rằng đó là hậu quả của việc Nhà nước can thiệp sâu vào nền kinh tế. Chúng tập trung bài xích chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cho đó là cách thức để “tư nhân hóa tài sản nhà nước” một hình thức “tham nhũng” mới và “lợi ích nhóm”… nhằm kích động chia rẽ nội bộ.
Trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng (CNQP), gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một số “ý kiến”, “kiến nghị” cho rằng “Phải xóa bỏ công nghệ lưỡng dụng”; “Việt Nam không nên đầu tư công nghệ lưỡng dụng để phát triển công nghiệp quốc phòng”; “Không nên để các nhà máy quốc phòng sản xuất hàng kinh tế”… Có lẽ những người này không biết hoặc cố tình không biết xu thế phát trển CNQP trên thế giới và lịch sử truyền thống cũng như thực tế của nền CNQP Việt Nam. Không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều xác định công nghiệp quốc phòng là một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, là tiềm lực quốc phòng và an ninh của mỗi nước. Để giữ gìn tiềm lực quốc phòng-an ninh, hầu hết các nước đều lựa chọn công nghệ lưỡng dụng trong đầu tư, phát triển CNQP.
Với các cơ sở sản xuất CNQP thì việc tận dụng năng lực, thiết bị, con người sẵn có để sản xuất hành kinh tế là giải pháp hữu hiệu nhất để giữ gìn tiềm lực quốc phòng. Khi có chiến tranh xảy ra thì các cơ sở này nhanh chóng chuyển sang sản xuất hàng quốc phòng. Chính vì vậy, việc đầu tư dây chuyền sản xuất CNQP mới phải là công nghệ lưỡng dụng mới đáp ứng được yêu cầu nói trên.
Đặc biệt, lợi dụng việc sơ hở, thiếu sót trong quản lý một số dự án của ngành công thương trước kia, các thế lực thù địch bôi đen thêm, xuyên tạc, suy diễn cho rằng, “đại án công thương” sẽ là “hồi kết của CNXH ở Việt Nam”.
Điều đáng mừng là, vào đầu tháng 5 vừa qua, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2023, nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực công thương đã được Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cho ý kiến. Trong 12 dự án thua lỗ ngành công thương, đã tìm được đầu ra cho 8 dự án. Cùng với đó, xử lý các vấn đề liên quan Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, Nhiệt điện sông Hậu 1; Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được khánh thành mà không sử dụng thêm ngân sách và còn tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Đây là câu trả lời hùng hồn cho các “nhà dân chủ” khi “nghiên cứu” DBHB trong lĩnh vực công thương ở Việt Nam./.