Trung thành với lý tưởng cách mạng là con đường duy nhất của đảng viên Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới |
Nỗi niềm day dứt từ lời thề đảng viên
Mỗi một quần chúng ưu tú được tổ chức lựa chọn, bồi dưỡng để được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam đều phải trải qua lớp học cảm tình Đảng, nếu đủ điều kiện sẽ được kết nạp.
Trong không khí trang nghiêm, trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chứng kiến của các đảng viên trong chi bộ, đảng viên mới phải đọc 4 lời thề và xin thề. Trong đó phải tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng.
Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở; tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng; phục tùng kỷ luật, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên tự phê bình và phê bình, trung thực với Đảng; làm công tác phát triển đảng viên; sinh hoạt đảng và đóng đảng phí đúng quy định.
Có thể nói, 4 lời thề trên, tuy ngắn gọn nhưng đầy đủ về tư tưởng, đạo đức, trách nhiệm, nghĩa vụ, hành động… gắn liền với suốt cuộc đời của Đảng viên. Ngoài việc trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân thì điều quan trọng nhất của người đảng viên phải làm là giữ vững lập trường tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, sống noi gương, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực, sống vì dân, vì nước. Hay nói gắn gọn lại là phải "dĩ công vi thượng" theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ, đảng viên.
Đến những con số buồn
Để thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải nhớ những lời thề, Đảng ta đã xây dựng ban hành hàng nghìn Nghị quyết, Quy định, Chỉ thị, Kết luận, hướng dẫn… về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong đó đáng chú ý là những điều đảng viên không được làm, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"…
Các văn bản này đều được quán triệt, triển khai sâu rộng trong từng cơ sở Đảng bằng nhiều hình thức khác nhau; được thông tin, tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, báo chí… Và có thể nói 100% cán bộ, đảng viên, quần chúng ưu tú, công chức, viên chức,người lao động và nhân dân đều được tiếp nhận.
Thế nhưng, vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên dường như đã lãng quên lời thề với Đảng, Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân, tự đánh mất mình vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Họ đã vi phạm đến mức phải bị kỷ luật, khai trừ, thậm chí vướng vào vòng lao lý. Tệ hại hơn, vi phạm của những cán bộ, đảng viên suy thoái đã làm “sói mòn lòng tin” của Nhân dân vào Đảng, vào đất nước; tạo cơ hội cho nhóm người bất mãn chế độ, các thế lực thù địch trong và ngoài nước xuyên tạc, chống đối.
Thông tin tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 30/5/2024, thảo luận, cho ý kiến đối với kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực từ đầu năm 2024 đến 30/5 cho thấy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã hoàn thành 7/8 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 7 tổ chức đảng liên quan đến các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; qua kiểm tra, đã xử lý kỷ luật đối với 68 tổ chức đảng, 104 đảng viên, trong đó có 20 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Thống kê, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.100 vụ với 4.211 bị can, truy tố 2.030 vụ với 4.042 bị can, xét xử sơ thẩm 1.686 vụ với 3.198 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó đã khởi tố mới 285 vụ án, 646 bị can về tội tham nhũng.
Nêu lên như vậy để thấy rằng, các con số trên là nỗi niềm day dứt, trăn trở của Đảng nhưng cũng là minh chứng rõ ràng nhất về sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc thanh, kiểm tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm theo hướng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ’. Đồng thời, công tác bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đảng viên là một điều cấp thiết, cấp bách và phải duy trì thường xuyên để làm trong sạch Đảng, loại bỏ nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, xây dựng Đảng ta thật vững mạnh; củng cố niềm tin của Nhân dân để bảo vệ Nhân dân và phát triển đất nước.
Đảng viên phải “dĩ công vi thượng”
Theo GS, TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, ngay từ khi tuyên truyền, vận động thành lập Đảng, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, đạo đức cách mạng là nội dung cốt lõi đầu tiên trong những vấn đề căn bản của cách mạng Việt Nam. Người nhiều lần nhấn mạnh, đạo đức là “gốc” của người cách mạng, bởi: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Do vậy, ở bất kỳ thời kỳ nào, cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm nêu gương đạo đức cách mạng; từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải làm sao cho dân tin, dân phục, dân yêu.
Đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh là những phẩm chất quý báu của người cộng sản, người đảng viên chân chính tận trung với Đảng, tận trung với nước, tận hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nhân, nghĩa, trí, tín, dũng; đoàn kết, thống nhất, thân ái, giúp đỡ đồng chí, đồng bào; trung thực, thẳng thắn, dũng cảm đấu tranh tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm.
Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời, khi tham dự “Hội thảo kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cũng đã từng chia sẻ về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về “dĩ công vi thượng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói với Đại tướng: “Chú Văn ạ, làm cách mạng là phải "dĩ công vi thượng” – có nghĩa là người cán bộ, đảng viên, những người làm cách mạng phải “vì nước vì dân không mảy may suy nghĩ một cái gì khác đó chính là đạo đức cao cả nhất của người cán bộ, người cách mạng, người Đảng viên".
Đại tướng giải thích, “dĩ công vi thượng” là cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích chung lên trên hết, tất cả vì nước vì dân, đặt lợi ích của dân, của nước, của Đảng lên trên hết, đem lòng chí công vô tư mà đối xử với người, với việc, không mảy may có chút chủ nghĩa cá nhân. “Dĩ công vi thượng” là cốt cách người cách mạng. Nếu ai không làm được điều này thì không thể trở thành người cách mạng, người cán bộ, đảng viên, đoàn viên chân chính.
Gương soi cho đảng viên thời kỳ mới
Cũng theo GS TS Nguyễn Xuân Thắng, thấm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn quý báu, giá trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hơn 94 năm qua, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức cách mạng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”, là tổ chức của những người ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ năng lực và uy tín để lãnh đạo nhân dân, xứng đáng với trọng trách được nhân dân tin tưởng giao phó.
Muốn duy trì đạo đức cách mạng, tin thần “dĩ công vi thượng” thì phải xây dựng được các chuẩn mực, thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở Điều lệ Đảng, quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, đặc biệt là Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", ngày 9/5/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144) với 6 điều ngắn gọn nhưng cụ thể, bao quát. Đây cũng là gương soi chiếu, là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên quán triệt và gương mẫu thực hiện.
Trong đó, cán bộ, đảng viên phải yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; Phải có bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm và Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, ở trong nước, công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ, lãnh đạo; phòng chống tham nhũng vẫn đang được tiếp tục đẩy mạnh đã xuất hiện tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên… đã và đang ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công việc. Nếu kéo dài có thể ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - hội của đất nước. Do vậy, Quy định số 144 cần phải được quán triệt, thực hiện sớm, nhanh và sâu rộng nhất có thể.
Thiết nghĩ, chỉ cần cán bộ, đảng viên – nhất là những người đang nắm giữ những trọng trách trong các tổ chức Đảng, chính quyền các cấp không còn tư tưởng mưu cầu, lợi ích riêng, chí công vô tư và có tinh thần “dĩ công vi thượng” thì Đảng ta sẽ ngày càng vững mạnh, đất nước ta sẽ càng phát triển, xứng đáng với niềm tin, trọng trách mà Nhân dân giao phó.