|
Sau 40 năm tiến hành cuộc đổi mới toàn diện, trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đã tạo ra thế và lực mới: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Thành quả to lớn ấy không thể tách rời với quá trình lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi thách thức, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra. "Cơ đồ, vị thế" đất nước có được như ngày hôm nay có phần đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Theo thống kê, hiện tại, Việt Nam có 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động. Đã có nhiều doanh nghiệp lớn mạnh, mang dấu ấn tiên phong, tạo thương hiệu toàn cầu, là những "kỳ lân" trong quá trình đổi mới sáng tạo, CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên, để đưa đất nước ta "đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại" như mục tiêu của Chính phủ đề ra trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chặng đường phía trước còn nhiều thuận lợi, thách thức đan xen. Cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư bùng nổ tạo nên làn sóng công nghệ mới làm thay đổi sâu sắc mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Đất nước ta ngày càng hội nhập sâu; nền kinh tế có độ mở cao; thu hút đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn; thành quả quá trình CNH đất nước là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp chủ động bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… Bên cạnh đó, xung đột vũ trang, dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, rào cản thương mại… từng ngày từng giờ ảnh hưởng sâu sắc, tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Thực lực của doanh nghiệp Việt Nam, dù đã cải thiện rất lớn sau 40 năm đổi mới, nhưng vẫn còn non trẻ so với thế giới, cũng như so với yêu cầu đưa nước ta vào nhóm nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại. Các doanh nghiệp quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng, có năng lực dẫn dắt các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng còn ít. Thậm chí, thời điểm hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, thuộc nhóm có độ mở cao nhất thế giới, thì tư duy kinh doanh thời vụ, tính liên kết, hợp tác kém, tận dụng cơ hội từ hội nhập chậm vẫn là điểm nghẽn… Trong khi đó, môi trường kinh doanh, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp mặc dù là nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ, chính quyền các địa phương và đã được cải thiện rất lớn, nhưng vẫn còn khoảng cách không nhỏ so với các nền kinh tế phát triển, cũng như với chính nhu cầu phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Tháo nút thắt để doanh nghiệp, doanh nhân trụ vững và phát triển, tạo "bệ phóng" mới, vững tin "ra biển lớn" bắt nhịp với xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng và Nhà nước quan tâm và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nhiều chủ trương, chính sách. Tại Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên cụm từ “đổi mới sáng tạo” (ĐMST) là thuật ngữ riêng đã được đưa vào Văn kiện. Đồng thời, khẳng định vai trò của ĐMST thông qua 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển”, “thúc đẩy ĐMST”; “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”; “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội”. Cả 3 đột phá chiến lược này tạo cơ chế cho ĐMST, cũng như lấy ĐMST làm cơ sở, động lực mới cho sự phát triển. Cụ thể hóa một bước nội dung trên, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó xác định: "Nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số...". Trong lĩnh vực kinh tế, ĐMST được thực hiện song song với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế; trong lĩnh vực khoa học và công nghệ chú trọng “Lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số”. Tiếp đó, ngày 11/5/2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là khoa học - công nghệ và ĐMST đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, đưa nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030... Đó là "chìa khóa mở", tạo ra chân trời mới, một lộ trình thông thoáng để doanh nghiệp, doanh nhân vững tin chèo lái con thuyền ĐMST vượt phong ba, hòa nhập với dòng chảy ĐMST thế giới. |
Cùng với các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, từ rất sớm, ngành Công Thương xác định phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và ĐMST là nhiệm vụ trọng tâm, điều kiện tiên quyết, tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành cả trong ngắn hạn và dài hạn. Ngành sớm xây dựng các quyết định và đề án, được Chính Phủ phê duyệt, đó là Quyết định 2795/QĐ-BCT năm 2023 về Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030 và Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023. Trong đó, xác định: KHCN, ĐMST là nền tảng quan trọng và khâu đột phá trong chính sách công nghiệp và thương mại để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh ngành Công Thương; tự chủ về công nghệ công nghiệp, đặc biệt là các công nghệ then chốt; thực sự trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền công nghiệp quốc gia hiện đại, có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao, khả năng tự chủ, thích ứng, chống chịu tốt, trình độ công nghệ tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng; góp phần tích cực phát triển thương mại theo hướng hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, phát huy lợi thế và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do…; thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong các hoạt động thương mại, quản lý thị trường; phát triển thương mại điện tử (tăng trưởng bình quân từ 20 - 25%/năm), kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới; đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm... |
Bắt nhịp với xu thế ĐMST trong cả nước, toàn ngành Công Thương xác định lấy "doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động khoa học công nghệ và hệ thống đổi mới sáng tạo", coi đây là chìa khóa mở đường đánh dấu sự đổi mới phát triển, tái cơ cấu ngành. Phát huy sức mạnh nội lực của doanh nghiệp, kết hợp với mạng lưới (10 viện nghiên cứu trực thuộc Bộ, 13 Viện nghiên cứu trực thuộc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 90 và 919 và tổ chức KH&CN tại các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ), quá trình ĐMST diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ… Nhiều lĩnh vực công nghiệp, thương mại trụ cột đã có bước đột phá mới khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến. Đơn cử, nhờ ứng dụng KHCN&ĐMST, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới: Năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN (gấp rưỡi Thái Lan); năng suất hồ tiêu và cá tra đứng đầu thế giới; cà phê và cao su đứng thứ 2 trên thế giới. Thành công đáng kể là Việt Nam đã làm chủ công nghệ, chế tạo nhiều sản phẩm công nghiệp với công nghệ hiện đại, tỷ lệ nội địa hóa cao, chủ động nguồn cung trong nước, giảm giá thành sản phẩm nhập khẩu cùng loại: Chế tạo thành công máy biến áp 500KV (đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có khả năng chế tạo các thiết bị điện siêu cao áp); chế tạo thành công giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90-120m (đưa nước ta là 1 trong 3 quốc gia châu Á và 1 trong 10 nước trên thế giới làm chủ công nghệ giàn khoan tự nâng)... Gần đây, ngày 30/9, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam LSP, với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD, bao gồm các hạng mục nhà máy, cụm cảng, bồn bể… với công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới đã vận hành thương mại, hứa hẹn sẽ mang lại tăng trưởng kinh tế lâu dài và nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp hóa dầu và ngành nhựa tại Việt Nam. Có thể nói đó là những kỳ tích mới, khẳng định thương hiệu KHCN Việt Nam, "đẳng cấp" ngành công nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam trong môi trường ĐMST đầy hấp dẫn, nhưng cũng vô vàn gian nan, thử thách. Song hành với phát triển công nghiệp, thương mại điện tử (TMĐT) được xác định là một trong những trụ cột cơ bản của nền kinh tế, đặc biệt, khi Việt Nam đã và đang hội nhập sâu, tham gia hầu hết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. TMĐT lên ngôi, trở thành "bệ đỡ" cho các ngành kinh tế. Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: “Với mức tăng trưởng cao và đồng đều, khoảng 25 - 30%/năm trong 10 năm vừa qua, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, trong 2 năm TMĐT là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số đại dịch, TMĐT vẫn giữ mức tăng trưởng 2 con số, góp phần tháo gỡ khó khăn trong xúc tiến tiêu thụ và lưu thông hàng hóa. Riêng năm 2023, TMĐT bứt phá, tăng trưởng thuộc top đầu thế giới (đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD, tương đương tăng 25% so với năm 2022); TMĐT chiếm gần 70% tỷ trọng của nền kinh tế số, quy mô TMĐT bán lẻ của Việt Nam”. Sự phát triển vượt bậc của công nghiệp, thương mại trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, giữa doanh nghiệp với các Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub); Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC)… ngày càng cho thấy "hàm lượng" công nghệ tiên tiến, hiện đại kết tinh trên các sản phẩm, tạo nên một diện mạo mới, đưa giá trị sản phẩm tiếp cận thị trường, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống và sự phát triển. ĐMST và KHCN nhìn ở một góc độ khác còn cho thấy, đó không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn quyết định sự sống còn đối với doanh nghiệp. |