Bạc Liêu: Tăng cường xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng
Tuyên truyền mạnh về Cuộc vận động
Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2021 – 2023 diễn ra mới đây, đánh giá của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bạc Liêu cho thấy, đến nay, cuộc vận động đã được triển khai sâu rộng đến từng ngõ ngách đời sống nhân dân.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh đã tổ chức triển khai tuyên truyền, vận động đến người tiêu dùng với nhiều hình thức. Đã có gần 2.000 cuộc vận động, tuyên truyền và hơn 89.000 lượt người tham dự. Đồng thời, các ngành, địa phương đã tích cực tổ chức nhiều hội chợ triển lãm, phiên chợ hàng Việt, các hội nghị kết nối cung cầu, giao thương hàng hóa và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong, ngoài nước…
Bạc Liêu tăng cường quảng bá các sản phẩm thế mạnh |
Cụ thể, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động quan tâm phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ thể tham gia xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2021 - 2023, có 40 sản phẩm được UBNĐ tỉnh công nhận sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP trong tỉnh là có 108 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao (trong đó, 85 sản phẩm đạt 3 sao và 23 sản phẩm đạt 4 sao) với 55 chủ thể và hiện nay còn rất nhiều sản phẩm truyền thống trong Nhân dân chưa được chuẩn hóa để tiến tới công nhận sản phẩm OCOP.
Đến nay, rất nhiều sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương được người tiêu dùng ưa chuộng như muối ăn Bạc Liêu, Gạo Một bụi đỏ Hồng Dân, Thanh nhãn Bạc Liêu, Nước mắm cá cơm Thiên Phú 32N, Thương hiệu NIDTICO cho sản phẩm tôm chế biến, Yến sào Ngọc Minh, Rau cần nước HTX 8/3, Tôm khô Đa Giàu, Bánh phồng tôm Ý Tám, Khô cá kèo Kiều Hạnh... Nhiều sản phẩm của địa phương được nhận các giải thưởng về chất lượng và thương hiệu sản phẩm. Điển hình như sản phẩm Tổ yến của cơ sở Ngọc Minh đã được Viện Nghiên cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ chứng nhận đạt tốp 10 “Thương hiệu và chất lượng quốc tế”. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh còn phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và các ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức trong việc chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc… nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng hàng hóa, chính sách bảo vệ người tiêu dùng, động viên, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, chế biến các mặt hàng có lợi thế của tỉnh. Cũng như tăng cường công tác kiểm tra và kiên quyết xử lý trên 600 vụ, với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính 5 tỷ 690 triệu đồng.
Đa dạng các giải pháp xúc tiến thương mại
Trong giai đoạn 2021 - 2023, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các đơn vị có liên quan đã tổ chức được 7 phiên chợ và 23 phiên hội chợ đưa “Hàng Việt về nông thôn” có trên 3.151 lượt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm, có trên 122.000 lượt người đến tham quan mua sắm, doanh số bán hàng đạt trên 100 tỷ đồng.
Sở Công Thương còn tổ chức và tham gia nhiều hoạt động kết nối cung - cầu, giao thương hàng hóa với trên 20 hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Cần Thơ, Ninh Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long…
Để nâng cao hiệu quả triển khai Cuộc vận động trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về Cuộc vận động, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam.
Bên cạnh đó, khuyến khích, động viên người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hoà với hoạt động thương mại; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến thị trường, nguồn gốc, chất lượng, giá cả hàng hoá Việt Nam.