Bắc Kạn xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và sản phẩm OCOP
Tham dự hội nghị có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương: Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Vụ Thị trường trong nước,… Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn, đại diện các Sở, Ngành tỉnh Bắc Kạn. Sự kiện cũng thu hút sự tham gia của đại diện Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đáng nói, sự kiện còn có sự góp mặt đông đảo của nhiều nhà phân phối với những quy mô lớn nhỏ khác nhau.
Hội nghị xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022 |
Bắc Kạn hiện có 155 sản phẩm OCOP với 143 sản phẩm 3 sao, 11 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm 5 sao. Tỉnh hiện có 3 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, gồm: Miến dong, quýt, hồng không hạt; 3 sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể là: Gạo bao thai Chợ Đồn, gạo Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, chè shan tuyết Bằng Phúc. Bí xanh thơm, Nano Curcumin nghệ, tinh bột nghệ, bún khô, phở khô, gạo Japonica và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn... là đặc sản và sản phẩm đặc trưng có thế mạnh của tỉnh.
Riêng với bí xanh thơm, năm 2022, Bắc Kạn có hơn 200 ha diện tích trồng, chủ yếu tại huyện Ba Bể, sản lượng ước đạt gần 8.000 tấn, thời gian thu hoạch từ tháng 6/2022. Sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, chuỗi sản phẩm sạch, một phần diện tích được cấp chứng nhận VietGAP và chứng nhận hữu cơ PGS, chứng nhận OCOP 3 sao.
Ông Đinh Lâm Sáng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn, cho hay: Việc tổ chức sự kiện xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm gắn với hoạt động trải nghiệm sinh thái được kỳ vọng sẽ giúp quảng bá, giới thiệu, kết nối và đẩy mạnh loại đặc sản này và các sản phẩm nông sản đặc trưng, có thế mạnh khác. Đồng thời dần hình thành các liên kết bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nhà phân phối trong phát triển sản xuất, mở rộng thị trường theo chuỗi giá trị.
Bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND Bắc Kạn phát biểu tại hội nghị |
Theo bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND Bắc Kạn, là địa phương có địa hình núi cao và bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi vòng cung, như vòng cung Tây Bắc - Đông Nam, vòng cung Ngân Sơn, vòng cung Sông Cầm từ đó đã tạo ra những tiểu vùng khí hậu đặc thù.
Cùng đó, với đất canh tác có tầng đất dày, nguồn nước và không khí trong lành, Bắc Kạn có nhiều yếu tố thuận lợi để hình thành nền sản xuất nông nghiệp sạch, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mang nét đặc trưng riêng. Cũng là điều kiện thuận lợi để hướng đến phát triển ngành nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm cảnh quan vùng sinh thái và các đặc trưng văn hóa trong đời sống, sản xuất của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn luôn chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Thúc đẩy người dân tiếp cận với phương thức sản xuất mới theo chuỗi liên kết và ứng dụng khoa học công nghệ đề nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm.
Bắc Kạn có hơn 200 ha diện tích trồng bí xanh thơm, chủ yếu tại huyện Ba Bể |
Sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, kinh tế tỉnh Bắc Kạn có bước phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1997-2021 ước đạt 7,7%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng lên gần 37 lần (từ 362 tỷ đồng năm 1997 tăng lên hơn 13.379 tỷ đồng năm 2021). Thu nhập bình quân trên đầu người được cải thiện đáng kể, tăng gần 31 lần sau khi tái lập tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm 29,96%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 14,80%; khu vực dịch vụ chiếm 52,09% và khu vực thuế sản xuất chiếm 3,1%.
Với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tỉnh Bắc Kạn tập trung phát triển nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông - lâm nghiệp, từng bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, phát triển mạnh công nghiệp chế biến; phát triển nông, lâm nghiệp gắn với hoạt động du lịch; phát triển các sản phẩm đặc sản bản địa, sản phẩm chủ lực, OCOP, sản phẩm hữu cơ.