Thứ tư 01/01/2025 10:25

Bắc Giang: Sản lượng vải thiều có nguy cơ giảm 50%

Do thời tiết bất lợi, khiến cây vải không ra hoa, dự báo sản lượng vải thiều của Bắc Giang năm 2024 có thể giảm đến 50% so với năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Mạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) cho biết, đến thời điểm hiện tại nhiều vườn, cây vải trổ hoa ít, ước tính có vườn vải tỷ lệ hoa nở chỉ đạt 30-40% so với năm 2023.

Vườn vải của gia đình ông Vũ Văn Mến- Đồng Giao- Quý Sơn- Lục Ngạn được chăm sóc theo quy trình VietGap tuy nhiên mùa vải năm nay tỷ lệ hoa của cây vải chỉ bằng 50-60% so với năm 2023

Theo báo cáo của UBND huyện Lục Ngạn, hiện toàn huyện có 17.360 ha diện tích vải thiều, trong đó vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 13.400 ha, chiếm 77,18% tổng diện tích, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 300 ha. Mặc dù được chăm sóc tốt tỷ lệ ra hoa tại các vườn vải cũng không đạt quá 60%.

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Bắc Giang có gần 30.000 ha vải thiều ra hoa, tỷ lệ hoa nở tại các huyện như Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên… chỉ đạt trung bình khoảng 46% trên tán (riêng vải chính vụ chỉ đạt 35-40%, còn vải chín sớm - đầu vụ thì đạt tỷ lệ cao hơn, nhưng cũng chỉ ở mức 70-80% so với năm ngoái).

Năm 2023, Bắc Giang đạt sản lượng 215.000 tấn, năm nay ước tính chỉ đạt trên dưới 100.000 tấn.

Ông Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ về tình hình cây vải thiều năm 2024 Ảnh: Bùi Hùng

"Riêng đối với vùng trồng vải Lục Ngạn năm 2023 tổng sản lượng đạt hơn 128 nghìn tấn, trong đó gần 40% sản lượng được tiêu thụ tại thị trường trong nước. Năm 2024, sản lượng vải thiều của Lục Ngạn ước tính giảm từ 40-60%, cá biệt có vườn giảm đến 70%"- ông Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ.

Nguyên nhân là do thời tiết mùa Đông năm nay rét muộn, các đợt rét thường kéo dài, nền nhiệt mùa đông trung bình cao hơn từ 1-1,5 độ C so với trung bình các năm, nên cây vải phân hóa mầm hoa kém hơn các năm. Thêm vào đó, quy luật của cây vải thiều là “năm ăn quả, năm trả cành”, trong khi đó 3-4 năm nay, cây vải thiều được mùa, vì vậy năm nay mất mùa cũng không nằm ngoài quy luật trên.

Được biết do ảnh hưởng của thời tiết đã ảnh hưởng đến việc ra hoa của cây vải ở Bắc Giang

Được biết, trong những năm qua cây vải thiều đã đem lại sự phát triển kinh tế vượt bậc cho tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lục Ngạn nói riêng, qua đó kinh tế hộ gia đình đã có bước phát triển ổn định.

Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, cây vải là cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp của Lục Ngạn góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân địa phương. Đời sống người dân đổi thay, diện mạo nông thôn đổi mới, có nhiều khởi sắc, qua đó đời sống hạ tầng kinh tế nông thôn ngày càng đổi mới và phát triển bền vững hơn.

"Mặc dù năm 2024 thời tiết không thuận lợi, tỷ lệ ra hoa thấp so với bình quân nhiều năm, tuy nhiên chúng tôi sẽ lựa chọn các gia đình, các xã có tỷ lệ ra hoa cao hơn để xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ, canh tác theo quy trình GlobalGap, VietGap để nâng cao chất lượng giá trị của cây vải trong thời gian tới"- ông Nguyễn Văn Mạnh khẳng định.

Hiện Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Bắc Giang đang hỗ trợ bà con tập trung thâm canh diện tích có hoa để nâng cao chất lượng; quản lý tốt mã vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu và thu về giá trị gia tăng hơn. Cùng với đó, chăm sóc diện tích không có hoa để đảm bảo năng suất cho năm sau.

Năm 2023, tổng diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang là 29.700 ha, sản lượng ước trên 200 ngàn tấn. Bắc Giang được đánh giá là địa phương có diện tích trồng vải thiều lớn nhất của cả nước.

Để giảm thiệt hại do thời tiết, các chuyên gia trồng trọt đề nghị bà con, các chủ nhà vườn nên cắt tỉa những cành lộc để cây tập trung dinh dưỡng cho trái, đảm bảo không bị ảnh hưởng nhiều về năng suất.

Để hỗ trợ người trồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Giang cũng đã thành lập Tổ công tác phối hợp cùng các địa phương để tìm cách nâng cao diện tích vải ra hoa. Đồng thời, Sở cũng hướng dẫn người trồng vải bám sát diễn biến thời tiết, kết hợp áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật trong giai đoạn này.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Giang đang theo dõi sát các vùng trồng vải. Sở cũng hướng dẫn kỹ thuật giúp người trồng nâng cao chất lượng để khi thu hoạch sản phẩm được bán với giá cao. Ngoài ra, đơn vị cũng đang phối hợp với cơ quan liên quan khơi mở thị trường xuất khẩu, kết nối các chuỗi tiêu thụ nông sản để tối ưu tiêu thụ; lựa chọn thị trường, chú trọng các thị trường xuất khẩu mang lại giá trị cao.

Bắc Giang được đánh giá là địa phương có diện tích trồng vải thiều lớn nhất của cả nước. Vải thiều của địa phương này không chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa mà được xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính.

Thu Hường - Việt Anh
Bài viết cùng chủ đề: vải thiều