Những năm gần đây, Hải Dương chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp và nỗ lực xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là đối với nông sản chủ lực.
Phóng viên (PV) Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương.
Bà Vũ Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương |
Năm 2024 sản lượng nông sản của tỉnh Hải Dương, đặc biệt quả vải thiều đã có sự thay đổi như thế nào so với năm trước, thưa bà?
Cùng với thị trường trong nước, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã được xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Bỉ, Hà Lan, Thái Lan, Singapore và Trung Đông...
Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh Hải Dương, các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, bà con nông dân, hộ sản xuất, vải thiều Thanh Hà ngày càng được nâng cao về chất lượng, mẫu mã. Khi xuất khẩu sang các nước đều được người tiêu dùng đón nhận.
Trong quá trình thực hiện xuất khẩu quả vải tươi, các doanh nghiệp của tỉnh cũng đã được Đại sứ quán các nước, các Thương vụ Việt Nam thuộc Bộ Công Thương ở nước ngoài rất quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện.
Tuy nhiên, năm nay sản lượng vải thiều của tỉnh giảm hơn so với mọi năm, điều này cũng do yếu tố thời tiết. Qua theo dõi, nắm bắt, chúng tôi nhận thấy tại các địa phương trồng vải khác sản lượng cũng bị giảm so với mọi năm.
Thời điểm mùa vụ, hàng nông sản của Hải Dương nói chung, quả vải thiều nói riêng tiêu thụ rất thuận lợi. Từ công đoạn thu mua, đưa vào sơ chế, sản xuất, đóng gói, xuất khẩu diễn ra suôn sẻ. Có sự phối hợp nhịp nhàng giữa đơn vị sản xuất, bà con nông dân, đơn vị vận chuyển, đơn vị trực tiếp thu mua, xuất khẩu.
Vải thiều vụ mùa năm 2024 đã được các doanh nghiệp xuất khẩu vào bày bán ở trên kệ một số nước như Anh, Úc, Pháp… Đã có các chuyến hàng đi bằng đường hàng không sang thị trường các nước để giới thiệu với người tiêu dùng.
Những năm qua tỉnh Hải Dương luôn quan tâm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp, nhất là vải thiều Thanh Hà và nông sản. (Ảnh: Linh Chi) |
Hiện nay, Hải Dương không chỉ có vải mà còn có rất nhiều loại nông sản khác, như cà rốt, bắp cải, su hào và rất nhiều nông sản được ưa chuộng ở trên thế giới… Vậy Sở Công Thương tỉnh đã có sự hỗ trợ gì trong việc giúp doanh nghiệp làm thương hiệu, đóng gói bao bì và tăng chất lượng của sản phẩm để xuất khẩu sang nhiều thị trường hơn?
Hoạt động xúc tiến thương mại thường có hiệu quả tác dụng ngay, nhưng cũng có thể hiệu quả cho các năm tiếp theo. Qua nhiều năm, Sở Công Thương chúng tôi luôn tham mưu tích cực với Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp với các đơn vị thuộc bộ, ban, ngành Trung ương để thực hiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và tiêu thụ của sản phẩm.
Đến nay việc tiêu thụ sản phẩm như cà rốt đều được thực hiện theo các hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Hải Dương hiện duy trì khoảng 1.400 ha trồng cà rốt cho sản lượng trên 70.000 tấn, trong đó, 100% diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGap, GolobalGap) phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm cà rốt của Hải Dương đã được xuất khẩu sang thị trường các nước khu vực Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Malaysia, Singapore và Thái Lan… 80% xuất khẩu dạng đông lạnh, còn lại 20% đưa vào sấy khô hoặc tiêu thụ trong nước.
Hàng năm, Sở Công Thương đã xây dựng các kế hoạch xúc tiến thương mại. Ví dụ, như làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ngay từ sớm, trước khi chưa vào mùa vụ để nắm bắt xem các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ có những khó khăn, vướng mắc gì. Vướng mắc thuộc thẩm quyền của Sở sẽ được hỗ trợ luôn; nếu liên quan đến các ngành, các cấp ở các địa phương thì cũng có phối hợp để tháo gỡ; hoặc liên quan đến cấp trên thì cũng có báo cáo kịp thời.
Tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại quy mô lớn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm; tổ chức các đoàn nghiên cứu, khảo sát thị trường trong nước và quốc tế; liên kết với các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm.
Liên tục trong 3 năm (2021 - 2023), Sở Công Thương tỉnh Hải Dương tham mưu với UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 3 sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng như: Hội nghị Xúc tiến thương mại vải thiều; Lễ mở vườn thu hái vải; đưa vải thiều lên các chuyến bay nội địa và quốc tế; tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư quốc tế tại Nhật Bản, Anh, Pháp, Bỉ, Hoa Kỳ, Australia và New Zealand…
Từ năm 2023, Sở Công Thương và một số sở ngành liên quan đã tham mưu lãnh đạo tỉnh cùng với một số doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đi thực hiện xúc tiến đầu tư thương mại ở một số nước. Qua đó góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu vải thiều Thanh Hà nói riêng, nông sản Hải Dương nói chung trên thị trường trong nước và thế giới; thúc đẩy liên kết, tiêu thụ và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ngoài xuất khẩu nông sản đem lại giá trị kinh tế cao, chúng tôi cũng xác định, thị trường trong nước 100 triệu dân rất quan trọng.
Chúng tôi cũng đã hỗ trợ nông dân thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm nông sản của tỉnh Hải Dương cũng đã có mặt trên nhiều sàn thương mại điện tử như Postmart, Alibaba, TikTok… Bà con nông dân cũng đã được đào tạo, tập huấn, có thể tự livestream để bán hàng và giới thiệu sản phẩm của mình.
Nói chung, việc đảm bảo từ xây dựng chất lượng đến thương hiệu, bao bì, mẫu mã và hỗ trợ bà con nông dân, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, đảm bảo chất lượng theo các đơn hàng, theo quy trình sản xuất, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ… Sở Công Thương luôn quan tâm, xây dựng kế hoạch từ rất sớm, tham mưu cho tỉnh nhiều giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu.
Cà rốt của Hải Dương là sản phẩm nổi bật, được tiêu thụ mạnh tại nước ngoài |
Vậy mục tiêu xuất khẩu nông sản của tỉnh Hải Dương 2024 có sự thay đổi như thế nào so với năm ngoái, thưa bà?
Mục tiêu xuất khẩu của chúng tôi với phương châm ổn định, giữ vững thị trường truyền thống, giữ uy tín với khách hàng ở các nước để đảm bảo thương hiệu nông sản của Việt Nam trên thị trường thế giới; Bền vững, giữ vững nguồn hàng để giúp doanh nghiệp và bà con nông dân có được thu nhập ổn định.
Ngoài ra, còn tổ chức những hoạt động xúc tiến thương mại kết hợp với du lịch nhà vườn, du lịch sinh thái. Kết hợp các tour du lịch tham quan vườn vải khi những vụ thu hoạch. Chúng tôi cũng cố gắng tích hợp đem lại kinh tế đa giá trị từ các sản phẩm nông nghiệp.
Sát cánh cùng doanh nghiệp, Sở Công Thương tỉnh luôn đổi mới hoạt động xúc tiến xuất khẩu, vừa nỗ lực duy trì thị trường truyền thống, trọng điểm, vừa phát triển thị trường mới (như ở các khu vực: Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ La tinh).
Hiện nay, Sở Công Thương đã triển khai những giải pháp nào để hỗ trợ các doanh nghiệp ở địa phương? Sở có kiến nghị gì trong việc hỗ trợ chính sách để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân trên địa bàn có thể đẩy mạnh xuất khẩu?
Tỉnh Hải Dương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ bà con nông dân. Từ chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ sản xuất vùng trồng; hỗ trợ tham gia thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ bao bì đóng gói, đưa lên sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, có các cuộc bình chọn về sản phẩm OCOP để tham gia hội chợ, triển lãm…
Hiện chúng tôi cần thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu về lĩnh vực nông sản, đầu tư hạ tầng thương mại và logistics.
Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 12/2023 rất thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tìm hiểu đầu tư trong lĩnh vực phục vụ cho xuất khẩu nông sản.
Xin cảm ơn bà!