Ăn táo ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe người mắc bệnh tiểu đường?
Thành phần dinh dưỡng của quả táo
Thành phần dinh dưỡng của táo bao gồm chất xơ, vitamin C và chất chống oxy hóa tốt. Một quả táo cỡ trung bình chứa 95 calo, 25 gram carbs và 14% vitamin C cung cấp hàng ngày. Vậy nhiều người thắc mắc, carbs tác động đến lượng đường trong máu như thế nào, đặc biệt với người mắc bệnh tiểu đường?
Táo chứa nhiều carbs có thể làm tăng lượng đường huyết |
Táo chứa nhiều carbs có thể làm tăng lượng đường huyết. Tuy nhiên, chất xơ có trong táo giúp ổn định đường máu, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác. Chất xơ có tác dụng làm chậm quá trình hấp thu carbs, giúp ngăn cản lượng đường trong máu tăng lên đột biến trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chất xơ có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tiểu đường tuýp 2 và nhiều loại chất xơ có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Đáng nói, hầu hết đường trong táo ở dạng fructose tự nhiên, có tác động đến cơ thể khác với các loại đường khác. Fructose khác với đường đã qua chế biến và tinh chế có trong thực phẩm đóng gói (chocolate, bánh quy...). Một nghiên cứu của Australia đăng trên Tạp chí Lâm sàng Mỹ cho thấy, thay thế glucose hoặc sucrose bằng đường fructose có thể làm lượng đường và insulin trong máu ít hơn sau bữa ăn.
Khi kết hợp táo hoặc trái cây với chất béo hoặc protein lành mạnh cũng có thể làm giảm mức tăng đột biến lượng đường trong máu và tạo cảm giác no lâu hơn. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường nên ăn loại quả này ở mức độ vừa phải.
Người bệnh tiểu đường nên ăn táo xanh hay táo đỏ?
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh – chia sẻ: Người bệnh tiểu đường có thể sử dụng các loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp, tránh sử dụng một số loại hoa quả có chỉ số đường huyết cao ảnh hưởng đến mức insulin, không tốt cho người mắc bệnh tiểu đường. Nhóm trái cây như táo, lê, ổi, mận, đào chứa nhiều chất xơ dễ hòa tan, giàu vitamin và chỉ số isulin thấp, có lợi rất nhiều cho người bệnh tiểu đường. Ngoài ra, trong táo còn có chất pectin giúp loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể.
Tuy nhiên, đối với bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường thì các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên ăn táo xanh. Nguyên nhân là vì táo xanh chứa ít đường, nhiều chất xơ do đó không khiến lượng đường huyết trong cơ thể tăng cao.
Tính toán của chuyên gia dinh dưỡng, chỉ số đường huyết của táo xanh ở mức 39 (đồng nghĩa đây là thực phẩm ít đường), chứa khoảng 20g carbohydrate sẽ cung cấp năng lượng từ nguồn đường tự nhiên. Bên cạnh đó, táo xanh còn chứa nguồn vitamin C và chất chống oxy hóa.
Còn táo đỏ, mặc dù chứa hàm lượng chất xơ khá cao, ít chất béo bão hóa, cholesterol hay natri tốt cho tim mạch nhưng lại chứa nhiều đường và lượng calo cao hơn táo xanh.
Táo xanh thường chứa ít đường và nhiều chất xơ và do vậy không khiến đường huyết tăng cao. Táo xanh đặc biệt có lợi trong bệnh tiểu đường týp 2.
Tóm lại, táo có tác động rất ít đến đường huyết và không có khả năng gây tăng đột biến lượng đường trong máu, ngay cả ở bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, hãy ăn một quá táo nguyên vỏ vào bữa trưa, vì vỏ táo là phần chứa nhiều dinh dưỡng nhất, đầy đủ các chất chống oxy hóa. Với người tiểu đường chỉ nên ăn một quả táo trung bình thay vì một quả táo to.
Thêm một lưu ý nữa, không nên ăn táo cùng với các bữa ăn chính. Nếu ăn kết hợp thì cần phải giảm bớt lượng cơm xuống để không làm tăng cao đường huyết sau ăn. Tránh nước ép táo. Nước ép không có lợi ích như ăn trực tiếp trái táo, vì có lượng đường cao hơn và thiếu chất xơ. Nên phân bổ lượng trái cây hàng ngày, kết hợp nhiều loại trái cây khác nhau với một lượng phù hợp hàng ngày có thể giúp giữ cho đường huyết ổn định.
Bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm khuyến cáo, trong thực đơn mỗi ngày của người bệnh nên bổ sung ít nhất 1- 2 loại trái cây và ít nhất 5 khẩu phần rau quả để đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết. Việc cân bằng liều lượng trái cây phù hợp sẽ giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát được lượng đường nạp vào, đảm bảo cơ thể hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng không làm tăng chỉ số đường huyết cho phép. |