Thứ sáu 15/11/2024 00:22

7 tháng năm 2022, Việt Nam chi gần 2,7 tỷ USD để nhập khẩu 2 nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

7 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi 2,7 tỷ USD để nhập khẩu 2 nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính là ngô, đậu tương.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 7 tháng năm 2022, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đã phải chi tới gần 2,7 tỷ USD để nhập khẩu 2 nguyên liệu chính là ngô, đậu tương. Ngoài ra, Việt Nam còn tốn hơn 400 triệu USD để nhập khẩu các nguyên liệu khác. Như vậy, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm từ đầu năm đến nay lên tới 3,1 tỷ USD.

Việt Nam đã chi 3,1 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Cục Chăn nuôi cho hay, do sản lượng ngô và đậu tương trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 37% nhu cầu của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên suốt nhiều năm qua nước ta phải nhập khối lượng rất lớn 2 nguyên liệu này. Brazil, Hoa Kỳ và Canada là 3 thị trường cung cấp đậu tương chính cho Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 với 99,2% thị phần.

Cục Chăn nuôi cho rằng dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có chuỗi cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Nguồn cung giảm, giá cước vận chuyển tăng cao đã đội giá nguyên liệu và thành phẩm.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine đang tác động lớn đến nguồn cung và giá lương thực toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến giá ngô và các mặt hàng nông sản khác trên thị trường thế giới và Việt Nam.

Mặt khác, Hoa Kỳ tăng sản xuất cồn sinh học từ ngô, các nước Nam Mỹ như Argentina, Brazil mất mùa vì hạn hán đã khiến lượng ngô xuất khẩu giảm mạnh, đẩy giá lên cao. Ngoài ra, thời gian gần đây một số nước có chính sách tạm dừng xuất khẩu lương thực để đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng sẽ làm giảm nguồn cung và tăng giá nguyên liệu thức ăn trên thế giới. Vấn đề này đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi khi chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi có xu hướng giảm.

Hiện nay, giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính so với bình quân trong tháng 6 giảm, cụ thể: giá ngô hạt 8.600 đồng/kg (giảm 5,5%); khô dầu đậu tương 14.050 đồng/kg (giảm 0.4%); dinh dưỡng gia súc 10.500 đồng/kg (tương đương); cám gạo chiết ly 5.550 đồng/kg (giảm 0,3%).

Cục Chăn nuôi dự báo trong 5 tháng cuối năm, giá một số nguyên liệu chính của ngành thức ăn chăn nuôi có thể giảm. Tuy nhiên, mức giảm được cho là không nhiều do gần đây một số nước đang thực hiện chính sách an ninh lương thực trong nước cấm xuất khẩu, ảnh hưởng đến giá ngô, khô đậu tương, lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi. Việc này cũng có thể kéo giá thức ăn chăn nuôi trong nước giảm theo.

Là quốc gia nông nghiệp nhưng hàng năm Việt Nam chi hàng tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Lý giải về điều này, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho rằng, năng suất trồng ngô, đậu tương của Việt Nam thấp, giá thành sản xuất cao, lợi nhuận kém hấp dẫn so với các cây trồng khác.

Các chuyên gia về chăn nuôi cũng nhận định, việc thoát khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trong ngắn hạn là “nhiệm vụ bất khả thi”. Bởi lẽ, Việt Nam được nhận định là không có lợi thế để đẩy mạnh phát triển các loại cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Về việc này, theo ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), quỹ đất nông nghiệp của Việt Nam có khoảng 10 triệu ha và đã được trồng các loại cây trồng khác như lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp… Do vậy, muốn phát triển cây ngô hoặc các loại cây làm thức ăn chăn nuôi khác, các cây trồng này phải cạnh tranh về hiệu quả kinh tế, hiệu quả đầu tư với các loại cây trồng khác. Đó là quy luật thị trường, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để phát triển cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khi không có lợi thế cạnh tranh.

Cũng theo ông Cường, hiện nay, diện tích sản xuất ngô tập trung ở các vùng đất dốc, khô hạn, vùng khó khăn chủ yếu nhờ vào nguồn nước tự nhiên, cộng với quy mô sản xuất manh mún, tỷ lệ cơ giới trong canh tác thấp (khoảng 20- 25%) dẫn đến chi phí cao và năng suất thấp. Các yếu tố này khiến giá thành sản xuất ngô, đậu tương cao hơn nhiều so với giá ngô, đậu tương nhập nội.

Về bài toán giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ông Phùng Đức Tiến cho hay, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành chức năng vẫn đang chỉ đạo phát triển xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để chủ động một phần.

Tăng tính tự chủ, giảm phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu cũng đặt ra bài toán làm sao tăng thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong nước và ngoài nước vào lĩnh vực này. Về việc này, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam - đánh giá, trong những năm qua, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi nói chung khá tốt. Tuy nhiên, để khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cần có các chính sách về mặt bằng đất đai, tín dụng, các vấn đề về thị trường…

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Xuất khẩu hàng hóa: Dồn lực trong chặng đường về đích

Xuất khẩu mây, tre, cói, thảm mang về cho Việt Nam 594,8 triệu USD

Xuất khẩu hàng hóa ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với một số nước

Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ thông tin về thị trường xuất khẩu

Việt Nam chi 2,89 tỷ USD nhập khẩu hạt điều

Xuất khẩu sầu riêng: Nhận định nào về đối thủ cạnh tranh?

Cơ hội nào cho thủy sản xuất khẩu sang Mỹ sau bầu cử Tổng thống mới?

Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Trung Quốc dự báo sẽ tăng mạnh vào đầu năm 2025

Giá cà phê xuất khẩu bình quân tăng kỷ lục, 10 tháng Việt Nam thu về 4,6 tỷ USD

'Rộng cửa' xuất khẩu giày dép sang thị trường Chile

Nhập khẩu thịt heo có xu hướng tăng trở lại từ tháng 5/2024 đến nay

Thương mại Việt Nam và Peru, Chile ‘khởi sắc’ nhờ Hiệp định CPTPP

Đắk Lắk: Huyện Krông Pắc tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng niên vụ năm 2024

Bộ Công Thương ban hành Thông tư về quá cảnh hàng hoá của Campuchia qua Việt Nam

Công nghiệp hỗ trợ điện tử: Làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu?

Dự báo, xuất khẩu cao su năm 2024 đạt từ 3 - 3,5 tỷ USD

Ấn Độ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của quế Việt

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện lớn nhất của Việt Nam

Xuất khẩu tăng mạnh, Hoa Kỳ giữ vững vị thế thị trường lớn nhất của hàng Việt Nam

10 tháng, thu ngân sách nhà nước từ xuất nhập khẩu đạt 346.283 tỷ đồng