Thứ ba 24/12/2024 01:54

680 căn nhà xây dựng trái phép ở Đồng Nai và chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”

Nhiều doanh nghiệp thi công dự án khi chưa đủ điều kiện pháp lý, chính quyền địa phương ở đâu? Chuyện "con voi chui lọt lỗ kim" như vụ việc ở Đồng Nai là ví dụ.

Thời gian qua, thị trường bất động sản phát triển nóng vì thế đã kéo theo nhiều hệ lụy. Theo đó, nhiều chủ đầu tư triển khai xây dựng dự án, hay việc đưa bất động sản vào kinh doanh dù chưa đủ điều kiện pháp lý. Việc này đã dẫn đến không ít những vụ tranh chấp xảy ra, thậm chí cơ quan công an phải vào cuộc điều tra, khởi tố. Đáng chú ý, những vụ việc sai phạm ấy diễn ra trong thời gian dài, nhưng không bị chính quyền địa phương phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời và đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Đơn cử, tháng 5/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, để tiến hành điều tra, làm rõ các sai phạm trong quá trình thực hiện dự án Khu dân cư Tân Thịnh (tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, Đồng Nai). Dự án này do Công ty cổ phần đầu tư LDG làm chủ đầu tư. Sau đó, cơ quan điều tra đã khởi tố nhiều bị can là nguyên lãnh đạo, chuyên viên các phòng Quản lý đô thị và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bom...

Theo Kết luận thanh tra toàn diện dự án Khu dân cư Tân Thịnh xác định, đến thời điểm thanh tra, Công ty cổ phần LDG chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và chưa được cấp giấy phép xây dựng để đầu tư xây dựng dự án. Tuy nhiên, công ty này đã tổ chức thi công công trình từ năm 2018 đến 2020 gồm: 680 căn nhà, trong đó, 198 căn biệt thự, 290 căn nhà liền kề đã thi công xong và 192 căn nhà liền kề đang thi công dang dở. Ngoài ra, công ty này đã thi công hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước, điện, xử lý nước thải công viên cây xanh...

Chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm nghiêm trọng về đất đai, xây dựng?

Cũng liên quan đến việc chủ đầu tư thi công dự án bất động sản theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”, vào ngày 26/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã ký ban hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai và khắc phục hậu quả đối với Công ty cổ phần Bất động sản HANO-VID (Công ty HANO-VID) với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp trên cũng có hành vi vi phạm về chế độ thông tin, báo cáo hoạt động đầu tư (không thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư theo quy định) và bị phạt 40 triệu đồng.

Trước đó, vào tháng 7/2020, Công ty HANO-VID được tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt là đơn vị trúng thầu dự án khu dân cư đô thị Bắc Phố Châu (tại thị trấn Phố Châu và xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) với tổng diện tích 10,8 ha, tổng vốn đầu tư 799 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay, dù chưa được UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định giao đất, nhưng Công ty HANO-VID đã triển khai xây dựng rất nhiều hạng mục.

Từ những vụ việc trên cho thấy, dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, thế nhưng, qua đó cũng thể hiện rất nhiều bất cập trong công tác quản lý, xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng của các cấp chính quyền sở tại. Đây là bài toán nan giải không phải chỉ ở 2 tỉnh trên, mà còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước.

Trước hết, việc chính quyền địa phương có chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đến đầu tư là điều cần được phát huy và không ngừng đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án phải căn cứ trên các quy định pháp luật, chứ không phải theo kiểu “bỏ mặc làm ngơ” trước sai phạm của doanh nghiệp.

Ở đây, các doanh nghiệp tổ chức thi công dự án bất động sản không phải một sớm một chiều, mà nó diễn ra trong một khoảng thời gian dài, ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Vì vậy, chính quyền địa phương nếu có cũng không thể biện minh theo kiểu do thiếu cán bộ kiểm tra, giám sát hay doanh nghiệp thi công lén lút. Nếu các cấp chính quyền địa phương từ cơ sở và cơ quan quản lý làm hết trách nhiệm, thì liệu có để cho những vụ việc “con voi chui lọt lỗ kim” hay không?

Đáng nói, trong nhiều vụ việc sai phạm bị khởi tố điều tra, đưa ra xét xử, có không ít trường hợp người tiếp tay cho hành vi vi phạm là những cán bộ, lãnh đạo đương chức, đương quyền. Rõ ràng, nếu như đã có việc “bật đèn xanh” của những người có thẩm quyền, chức năng quản lý, thì dễ hiểu khi các tổ chức, cá nhân ngang nhiên thực hiện hành vi vi phạm, thậm chí với quy mô, mức độ lớn.

Như ở vụ việc tại Đồng Nai, nhiều cán bộ từng là lãnh đạo, chuyên viên đã bị điều tra, khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Còn về phía doanh nghiệp - Công ty cổ phần LDG, dù chưa được giao đất, đơn vị này đã thực hiện trót lọt việc xây dựng 680 căn nhà từ năm 2018 đến 2020, mà không hề bị ngăn chặn, xử lý dứt điểm ngay từ khi bắt đầu phát sinh vi phạm.

Chắc chắn những cán bộ thiếu trách nhiệm, hay lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ trên sẽ bị cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh, nhưng việc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra như thế nào thì cần phải nhắc đến nhiều. Không những thế, những vụ việc như trên sẽ tạo tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp khác thích làm ăn chộp giật, chạy theo lợi ích trước mắt và thi công theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”. Hơn nữa, việc này sẽ làm xấu đi môi trường đầu tư và hình ảnh của địa phương trong công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn.

Chính vì vậy, bên cạnh việc chính quyền địa phương cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm, thì các cán bộ, đảng viên ở các cơ quan đơn vị phải tự giáo dục bản thân, chấp hành nghiêm chỉnh những điều đảng viên không được làm và tuân thủ các quy định pháp luật. Đặc biệt, cần kiên quyết đấu tranh lại những hành vi tham nhũng, tiêu cực, nạn “phong bì” và bảo kê, hay cố tình làm ngơ trước sai phạm của doanh nghiệp. Khi phát hiện ra sai phạm cần xử lý nghiêm minh, tránh tình trạng xử lý theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa", hay hợp thức hóa cho sai phạm...

Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp đầu tư cần tuân thủ các quy định pháp luật, không bất chấp thi công theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” và phải có định hướng phát triển bền vững. Có như vậy, sẽ không còn những vụ việc “con voi chui lọt lỗ kim” và để lại những hậu quả như trên.

Khôi Nguyên
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Đồng Nai

Tin cùng chuyên mục

Cuộc đua taxi bay trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Một nhịp đèn hơn 300 xe máy đi ngược chiều: Đừng để nhanh 1 phút, chậm nhiều cuộc đời!

Lấy vi phạm để 'chạy truyền thông', Tiktoker Dưỡng Dướng Dường quá ngông!

Cuộc chiến chống tin giả: Thách thức đối với an ninh mạng

Bàn về một số vấn đề khi sắp xếp tinh gọn bộ máy: Nhìn từ Đà Nẵng

Chuyện thưởng Tết và góc khuất của nghề freelancer

Nhìn lại 4 “đại án” năm 2024 và tinh thần ‘4 không’ trong chống tham nhũng

Đưa hàng hiệu giá hấp dẫn đến với người tiêu dùng: ‘Chìa khoá’ chinh phục niềm tin trong khó khăn

Thực phẩm chức năng 'nổ' như thuốc chữa bệnh: Phải xử nghiêm hành vi trục lợi

Từ Phan Sào Nam đến Phó Đức Nam: Khi trí tuệ bị đặt nhầm chỗ

Chuyển đổi xanh phải thay đổi từ kế hoạch đến hành động

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn

Trong trại giam, Mr Pips Phó Đức Nam có thấu?

Thời trang Việt Nam và ước mơ thương hiệu ‘trăm năm’

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tinh gọn bộ máy đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025: Quyết định ‘hợp lòng dân’

Đánh thuế bất động sản: Triệt nạn đầu cơ nhưng cần hài hòa lợi ích

'Cáo mượn oai hùm' để lừa đảo tài chính qua mạng

Khi giới trẻ được học cách làm chủ tài chính

Hóa giải thách thức trong triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam