6 dự án được trao quyết định đầu tư, giao đất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
Hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị Kết nối, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Sự kiện với sự tham dự đại diện lãnh đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cùng một số các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ.
Ông Lưu Hoàng Long, phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lưu Hoàng Long, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết: "Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động nghiên cứu và triển khai, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, bên cạnh đánh giá những kết quả đã đạt được trong công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ, hợp tác đầu tư và phát triển trong thời gian qua tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Hội nghị còn là dịp để “ba nhà”: cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị nghiên cứu cùng các doanh nghiệp thảo luận và chia sẻ về những định hướng, giải pháp thúc đẩy sự phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong giai đoạn mới, vì lợi ích chung của doanh nghiệp, tổ chức, xã hội và quốc gia".
Được thành lập từ năm 1998, tính đến hết tháng 03/2023, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 104 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư vào Khu, trong đó có 90 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 99.078 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 378 ha.
Với hoạt động đầu tư và triển khai dự án, các nhà đầu tư đã nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển các công nghệ cao thuộc 35 nhóm công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Trong đó có những công nghệ mới, công nghệ chủ yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở trình độ thế giới được khai thác từ các sáng chế và được chuyển giao cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ khởi động dự án Trung tâm CN cao Mobifone |
Qua đó, các dự án hướng tới sản xuất được các sản phẩm công nghệ cao thuộc 28 nhóm sản phẩm công nghệ cao Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Trong đó có các sản phẩm mới ở Việt Nam có thể thay thế hàng nhập khẩu và xuất khẩu ra thị trường thế giới như đồng hồ điện, đồng hồ nước; thiết bị mạng, thiết bị điện tử; vaccine cho người; vi sinh sử dụng trong ngành thực phẩm; các sản phẩm dược phẩm nano…
Tại Hội nghị đã có 06 dự án đã được trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Quyết định giao đất, trong số đó có những dự án quy mô lớn; có cả dự án thuộc khối nhà nước và tư nhân. Đây đều là những dự án có hàm lượng công nghệ cao, thuộc những lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần và có nhiều tiềm năng phát triển. Đồng thời, 02 Thỏa thuận hợp tác cũng được ký kết giữa Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và các đối tác cùng với Lễ khởi động dự án Trung tâm công nghệ cao Mobilfone tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Đại diện Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương ( bên trái) lên nhận Quyết định đầu tư |
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đã đánh giá cao những kết quả đạt được của Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong việc chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thúc đẩy các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Đồng thời ông Nguyễn Ngọc Cảnh cũng khẳng định, Trung tâm công nghệ cao MobiFone tại Hà Nội sau khi được hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ là cơ sở hạ tầng số cần thiết để MobiFone phát triển các sản phẩm công nghệ số có chất lượng cao, vượt trội. Trung tâm sẽ là nơi ươm mầm và phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ Make in Việt Nam, Make in MobiFone có chất lượng cao, cung cấp cho xã hội nhiều giá trị gia tăng, góp phần thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng bền vững của đất nước.
Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại Hội nghị |
Chia sẻ tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh: “Đầu tư vào khoa học - công nghệ đòi hỏi nhiều nỗ lực và nguồn lực hơn so với các hoạt động đầu tư thông thường. Mối liên kết “ba nhà” từ những cơ sở ban đầu sẽ ngày càng được củng cố và nâng tầm, trở thành một mạch nguồn chính cho hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc”.
6 dự án được Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tổ chức trao Giấy chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư gồm: Dự án “Trung tâm Công nghệ cao Mobifone tại Hà Nội” do Tổng công ty Viễn thông Mobifone làm chủ đầu tư; Dự án “Tổ hợp nghiên cứu, đổi mới sáng tạo CMC” do Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC làm chủ đầu tư; Dự án “Xây dựng Trung tâm kỹ thuật Hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Bắc - Giai đoạn 1” do Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương làm chủ đầu tư; Dự án “Nhà máy Nghiên cứu và Sản xuất dược phẩm PHENIKAA” do Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Kiểm nghiệm thuốc AQP làm chủ đầu tư; Dự án “Nhà máy Dược phẩm ECO CNC” do Công ty Cổ phần Dược phẩm ECO CNC làm chủ đầu tư; Dự án “Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Dược phẩm công nghệ cao Đồng Nhân Đường đạt tiêu chuẩn GMP-WHO” do Công ty Cổ phần Y dược Bảo Long Đồng Nhân Đường làm chủ đầu tư. |