5 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long liên kết tiêu thụ nông sản tại TP. Hồ Chí Minh
Thiếu sự gắn kết trong từng khâu, chuỗi giá trị
Hội nghị thu hút hơn 100 đơn vị gồm các doanh nghiệp (DN) đến từ TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, hội quán của tỉnh ĐBSCL, gồm: Đồng Tháp Long An, Bến Tre, Vĩnh Long và An Giang.
Các đơn vị ký kết cung ứng và tiêu thụ hàng hóa phục vụ Tết |
Tại hội nghị đa số các DN, HTX, cơ sở sản xuất… lãnh đạo của 5 tỉnh tham dự hội nghị đều thừa nhận, việc nuôi trồng, sản xuất, chế biến còn manh mún, chưa có sự liên kết để cùng phát triển. Đặc biệt, thời gian qua nhiều DN chỉ tập trung vào xuất khẩu, chưa chú trong thị trường nội địa khiến khi xảy ra sự cố như mới đây tại cửa khẩu phía Bắc, tiêu thụ sản phẩm bị lúng túng, ách tắc.
Trước thực trạng này, đại diện hệ thống chợ đầu mối, hệ thống bán lẻ đến từ TP. Hồ Chí Minh cho rằng các vùng ĐBSCL và sở ngành địa phương cần có sự phối hợp, hỗ trợ, tạo chuỗi liên kết để sản phẩm đầu ra không bị phụ thuộc vào thương lái tháo túng, phải xây đựng được hệ thống phân phối chính quy, đưa sản phẩm trực tiếp đến nhà bán lẻ. Đồng thời các nhà vườn, HTX DN cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt lưu ý về quy trình trồng trọt, truy xuất nguồn gốc, giá cả hợp lý...
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND Đồng Tháp, thời gian qua các tỉnh ĐBSCL nói chung và Đồng Tháp nói riêng tuy đã có nhiều chương trình hợp tác với TP. Hồ Chí Minh để tiêu thụ nông sản, tuy nhiên kết quả thực hiện chưa tương xứng với kỳ vọng.
Ông Phạm Thiện Nghĩa cũng thừa nhận, sản xuất nông sản của Đồng Tháp vẫn còn thiếu sự gắn kết trong từng khâu, chuỗi giá trị. Đồng thời, DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã nông sản đa phần sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu tính kết nối.
Đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh |
Đồng Tháp hện có nhiều sản phẩm hàng hóa, nông sản đạt chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Do đó, Đồng Tháp mong muốn các DN lớn tại TP. Hồ Chí Minh đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp, cũng như hỗ trợ các địa phương phát triển thương mại điện tử, nâng cao kỹ năng thực hiện tốt tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế…
Đặc biệt, sự liên kết giữa các địa phương vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh phải lấy các tiêu chuẩn nông sản để tập trung sản xuất sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững
Đánh giá ĐBSCL có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, để tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa trong thời gian tới, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị lãnh đạo các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các DN sản xuất và xuất khẩu TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh đầu tư các dự án xây dựng vùng nguyên liệu, tạo nguồn hàng ổn định, truy xuất được nguồn gốc, thương hiệu uy tín, chất lượng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thị trường trong nước và từng bước chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa theo hình thức chính ngạch… qua đó tạo lập một khu vực thị trường mới, quy mô lớn, ổn định lâu dài cho DN TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh.
Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại hội nghị. Ảnh Nguyệt Ánh |
“TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện đưa hàng hóa của các địa phương vào hệ thống các chợ đầu mối, hệ thống phân phối của thành phố. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ nông dân, nhà vườn, HTX các tỉnh tham gia các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, xúc tiến thương mại tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới”- bà Phan Thị Thắng cam kết.
Tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng giao Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi quá trình triển khai thực hiện các hợp đồng nguyên tắc, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản đã ký kết. Song song đó, cũng là đầu mối cung cấp thông tin cho DN các địa phương tiếp tục thực hiện công tác kết nối tiêu thụ nông sản, đảm bảo hiệu quả công tác kết nối không chỉ dừng lại trong khuôn khổ hội nghị, mà sẽ tiếp tục lan tỏa, mở rộng thêm nhiều mặt hàng nông sản tại các địa phương khác.
Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu đề xuất của Hội Công nghệ Cao TP. Hồ Chí Minh và các sàn thương mại điện tử (Tiki, Sen đỏ) tham mưu triển khai giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử vào công tác đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất, quản lý, truy xuất nguồn gốc thông tin xuất xứ hàng hóa, góp phần thúc đẩy quá trình số hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều phối nông sản của vùng.
Ngoài ra, các DN sản xuất, hệ thống phân phối và sàn thương mại điện tử TP. Hồ Chí Minh tăng cường hợp tác với các trang trại, nhà vườn, nông dân kết nối giao thương, ký kết hợp đồng thu mua, bao tiêu nông sản để phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn; giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm được nhanh chóng và ổn định.
Trong khuôn khổ hội nghị có 22 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa các đơn vị sở ngành, DN, HTX… về xây dựng chuỗi cung ứng bền vững các mặt hàng nông sản, thủy; xây dựng vùng nguyên liệu tại Đồng Tháp; phát triển thương mại điện tử và xây dựng chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản; kết nối tiêu thụ hàng hóa phục vụ Tết và ký kết hợp tác đầu tư logistics… |