Xúc tiến thương mại hiệu qủa: Xác định sản phẩm để quyết định hình thức
Bà Nguyễn Việt Hồng, phụ trách Ban Kinh tế Xúc tiến thương mại, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đã trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Hoạt động XTTM trực tuyến được triển khai rầm rộ thời gian qua đã giúp DN vượt qua hạn chế về di chuyển, mở rộng cánh cửa tìm kiếm bạn hàng, thị trường cho DN, bà đánh giá ra sao về hình thức XTTM này?
Ở góc độ là người thực hiện các dự án XTTM cho Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, tôi nhận thấy hoạt động này bước đầu mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động XTTM trực tuyến giúp các DN tiếp cận thị trường khá nhanh và an toàn trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, cùng đó là tiết kiệm thời gian, chi phí.
Bà Nguyễn Việt Hồng, phụ trách Ban Kinh tế Xúc tiến thương mại, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam |
Trước kia, các hội chợ XTTM trực tiếp thường là hội chợ chuyên ngành, chỉ có thể áp dụng cho một nhóm sản phẩm nhưng với hoạt động XTTM trực tuyến, nếu được tổ chức quy mô, cùng một lúc nhiều ngành hàng khác nhau có thể tham gia. XTTM trực tuyến cũng rất hữu ích cho các DN và địa phương trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là các DN, địa phương cũng phải có sự chuẩn bị nhất định bên cạnh sự đồng hành hỗ trợ của các cơ quan XTTM để có kết quả tốt hơn trong hoạt động này.
Trong thời gian vừa qua, việc triển khai hoạt động XTTM trên nền tảng số cũng đã được Cục XTTM đẩy mạnh hỗ trợ DN. Đơn cử, việc Cục XTTM tổ chức những dự án liên quan, mở tài khoản giao dịch thương mại điện tử B2B, B2C cho DN. Hỗ trợ DN thực hiện các dự án liên quan đến sàn thương mại điện tử B2B của Global Sources. Các dự án này đến nay đã cho kết quả rất tốt, DN tham gia đã có thể tiếp cận được vào hệ thống lớn của Mỹ, Úc và châu Âu.
Bên cạnh ưu điểm về tiết kiệm thời gian, chi phí, theo bà, đâu là nhược điểm của XTTM trực tuyến, DN sẽ phải đối mặt với những thách thức gì khi thực hiện hình thức xúc tiến này?
Việc chuyển đổi để tiếp cận với thị trường từ mô hình offline qua online (trực tiếp qua gián tiếp) đã nổi lên những nhược điểm sau một thời gian vận hành. Từ thực tiễn hoạt động, chúng tôi đánh giá hoạt động về marketing của DN Việt Nam chưa thực sự đúng tính chất. Cụ thể, không chỉ riêng các DN, các tỉnh, thành phố cũng cần phải có cán bộ chuyên trách chịu trách nhiệm và am hiểu về XTTM, để hoạt động này khi đi vào thực tế triển khai đạt hiệu quả tốt nhất.
Mặt khác, các hoạt động XTTM hiện nay hầu hết được thực hiện trên nền tảng online, vì vậy cũng có những rủi ro nhất định. Do tất cả đều giao dịch giữa các bên đều qua không gian ảo không gặp mặt trực tiếp nên điều này rất cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan liên quan nhằm giảm thiểu rủi ro cho DN, nhất là các hoạt động giao thương với đối tác nước ngoài. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng lưu ý hỗ trợ DN và các địa phương trong hoạt động bán hàng trên nền tảng số như Facebook hay sàn thương mại điện tử để giảm tình trạng “bom hàng”, nhất là đối với các mặt hàng nông sản, hoa quả.
Một điểm nữa, việc đầu tư hình ảnh cho hoạt động quảng bá trực tuyến cũng rất quan trọng. Thực tế, các DN Việt Nam vẫn chưa thực sự đầu tư kỹ càng cho hình ảnh sản phẩm thông qua các hoạt động XTTM trực tuyến như livestream để thu hút sự chú ý của thị trường.
Nhiều trải nghiệm mới về kinh doanh trên nền tảng số được thực hiện nhằm thúc đẩy XTTM |
Để vượt qua được thách thức, nắm bắt cơ hội và thành công với XTTM trực tuyến, bà có khuyến cáo, cũng như đề xuất gì với cộng đồng DN và các cơ quan quản lý nhà nước?
Từ góc độ một tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam khuyến nghị đối với cộng đồng DN Việt Nam.
Thứ nhất, khi vào một sân chơi, các DN cần xác định được mảng dịch vụ hay mảng sản phẩm của mình là gì, từ đó quyết định hình thức B2B hay B2C. Vì những điều này sẽ quyết định đến cả quá trình hoạt động, sự thành công hay thất bại của DN.
Thứ hai, DN cần chuẩn bị một hành trang nhất định để khi tham gia các hoạt động XTTM, đặc biệt là giao dịch quốc tế. Cùng với đó, DN phải đầu tư một cách bài bản cho chiến lược marketing và nghiệp vụ của cán bộ sale.
Thứ ba, DN cần đầu tư, định hình cho sản phẩm của mình. Việc quyết định bán sản phẩm gì, bán vào thị trường nào, đối tượng khách hàng, chính sách và điều khoản giao hàng… rất quan trọng. Trong đó, việc thiết kế đóng gói bao bì sản phẩm, cách thức thể hiện thương hiệu cũng cần được chú trọng, điều đó thể hiện sự khác biệt của DN để tìm kiếm được đối tượng khách hàng tiềm năng.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị với cơ quan quản lý XTTM hỗ trợ các DN, hiệp hội ngành hàng có cơ sở dữ liệu nhất định để thuận tiện cho việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin đối tác nhằm thực hiện các giao dịch an toàn, hiệu quả. Cùng với đó, là sự thống nhất làm đầu mối giữa các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Sở Công Thương các tỉnh, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài để hoạt động XTTM thu được hiệu quả cao hơn, đúng trọng tâm, trọng điểm.
Xin cảm ơn bà!