Xuất khẩu thủy sản đối diện thách thức mới và bài toán IUU
Nhật Bản áp dụng cơ chế tương đương quy định IUU của EU
Trong Công văn 1562/QLCL-CL1 ngày 16/11/2022 của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) -Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi đến các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu và các trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng, đơn vị này cho biết, từ 1/12/2022, 4 loại thủy sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản phải có chứng nhận khai thác.
Xuất khẩu thủy sản đối diện với những thách thức mới |
Cụ thể, các lô hàng thủy sản và sản phẩm thủy sản chế biến từ nguyên liệu thuộc các loài mực ống và mực nang (Squid anh Cuttle fish), cá thu đao (Pacific saury, Cololabis spp.), cá thu (Mackerel, Scomber spp) và cá trích (Sardine, Sardinops spp) được khai thác/nhập khẩu sau ngày 1/12 sẽ phải kèm theo giấy chứng nhận khai thác (Catch Certificate) hoặc xác nhận cam kết (Processing Statement) khi xuất khẩu vào Nhật Bản.
Nafiqad đề nghị các cơ sở chế biến thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản khi có nhu cầu xác nhận cho lô hàng thủy sản chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu được khai thác sau ngày 1/12/2022 thuộc 04 loài nêu trên để xuất khẩu vào Nhật Bản, lập đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT gửi về Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng thuộc Cục trên địa bàn để được thực hiện xác nhận.
Chuẩn bị đầy đù hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan thẩm quyền để gửi kèm theo lô hàng chế biến từ nguyên liệu được khai thác trước thời điểm yêu cầu này có hiệu lực.
Tạo mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với nhà nhập khẩu Nhật Bản để cập nhật và thực hiện đầy đủ các quy định, thủ tục có liên quan trong thực hiện IUU của Cơ quan thẩm quyền Nhật Bản trong chế biến, xuất khẩu sản phẩm từ 04 loài thủy sản nêu trên vào thị trường này.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2022, Nhật Bản vượt Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đạt 160,6 triệu USD, tăng 34,1% so với tháng 10/2021. Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,43 tỷ USD, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2021. Nhật Bản đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam trong 10 tháng qua (Mỹ 1,9 tỉ USD, Trung Quốc 1,3 tỉ USD). Nhật Bản nhập khẩu nhiều tôm, bạch tuộc, mực, cá ngừ,... từ Việt Nam.
Nafiqad cho hay, Nhật Bản hiện đang thừa nhận và áp dụng cơ chế tương đương về quy định Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của Ủy ban châu Âu (EC).
Do đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu quy định của Việt Nam và Nhật Bản để ban hành và tổ chức thực hiện quy định nội bộ của doanh nghiệp nhằm kiểm soát IUU trong toàn bộ quá trình chuỗi (khai thác, thu mua, vận chuyển, tiếp nhận, chế biến, bảo quản, xuất khẩu) và đảm bảo thông tin khả năng truy xuất nguồn gốc.
Cán bộ thực hiện kiểm soát IUU của các doanh nghiệp phải có kiến thức hiểu biết và nắm vững quy định của pháp luật, của doanh nghiệp, kỹ năng thực hành thực tế với nhiệm vụ được giao.
Do yêu cầu truy xuất nguồn gốc thủy sản đáp ứng IUU đòi hỏi xuyên suốt toàn chuỗi, các doanh nghiệp xem xét giao bộ phận đảm bảo chất lượng để liên kết với các bộ phận khác của doanh nghiệp (thu mua, kho bảo quản thành phẩm, nguyên liệu, bộ phận xuất, nhập khẩu…), tránh tình trạng đứt gãy thông tin, dữ liệu gây khó khăn cho việc thực hiện yêu cầu truy xuất trên hồ sơ và thực tế sản xuất.
Đồng thời xây dựng thủ tục và tổ chức theo dõi trừ lùi/cấn trừ và có đối chiếu dữ liệu theo dõi với thực tế sản xuất cho nguyên liệu đưa vào sản xuất, nguyên liệu còn lại, thành phẩm đã xuất khẩu, chưa xuất khẩu,... nhằm minh bạch khả năng truy xuất nguồn gốc trong toàn chuỗi thực hiện quy định IUU, đảm bảo chống lẫn lộn giữa các lô nguyên liệu đưa vào sản xuất, giữa lô nguyên liệu đáp ứng quy định IUU và chưa đáp ứng đầy đủ quy định IUU.
Nafiqad cũng đề nghị các trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp về quy định mới của Nhật Bản và hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy định IUU.
Đồng thời, thực hiện thẩm định hồ sơ truy xuất nguồn gốc, xác nhận cam kết nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu để chế biến xuất khẩu theo yêu cầu thị trường Nhật Bản theo đúng quy định.
Địa phương không quyết liệt, bao giờ mới gỡ được thẻ vàng IUU?
Trước Nhật Bản, EC đã áp “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Sau 5 năm bị áp “thẻ vàng”, thủy sản Việt Nam vẫn chưa được tháo gỡ. Mới đây, Đoàn thanh tra của EC đã kiểm tra thực tế lần thứ 3 về tình hình chống khai IUU tại Khánh Hòa và làm việc tại Tổng cục Thủy sản.
Kết quả chuyến làm việc, phía EC đánh giá cơ quan Trung ương đã nỗ lực rất lớn trong việc theo dõi, phát hiện các tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu cá bị mất kết nối trên 10 ngày trên biển và kịp thời thông báo cho các địa phương để xử lý tàu cá vi phạm giám sát hành trình.
Tuy nhiên, kết quả xử lý của các địa phương chủ yếu chỉ ở mức độ lập biên bản nhắc nhở không tái phạm và rất ít trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, còn rất nhiều địa phương chưa phối hợp xử lý khi nhận thông báo hoặc đã có báo cáo nhưng chưa xử lý đến cùng vụ việc theo quy định.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 tháng đầu năm 2022, xảy ra 412 lượt tàu mất kết nối VMS thì 108 lượt tàu/8 tỉnh, thành phố chưa xử lý đến cùng; 46 lượt tàu/9 tỉnh, thành phố không phản hồi kết quả xử lý.
Để sớm gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản rất cần sự vào cuộc kiên quyết của chính các địa phương có biển. Ngày 18/11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển đề nghị phối hợp xử lý các trường hợp tàu cá mất kết nối giám sát hành trình 10 ngày trên biển. Yêu cầu này được đưa ra nhằm tăng cường trách nhiệm của chính quyền các địa phương ven biển trong việc quản lý tàu cá, chống khai thác IUU.
Theo đó, các địa phương khi nhận được thông báo tàu cá mất kết nối 10 ngày trên biển phải xác nhận qua email và trả lời kết quả xử lý bằng văn bản về Tổng cục Thuỷ sản. Các địa phương cũng cần báo cáo đầy đủ kết quả xử lý tới cùng vụ việc đối với các tàu cá bị mất kết nối trên 10 ngày trên biển trong năm 2021, 2022 trước ngày 30/11. Đây là động thái quyết liệt của cơ quan quản lý trung ương, sau chuyến làm việc của Đoàn thanh tra EC tại Việt Nam để kiểm tra về IUU hồi tháng 10.
Trong bối cảnh “thẻ vàng” thủy sản của EC chưa được tháo gỡ, thị trường Nhật Bản gia tăng những quy định khắt khe hơn khi xuất khẩu thủy sản vào thị trường này đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành hàng này trong giai đoạn sắp tới.