Quảng Ninh quyết liệt triển khai các giải pháp gỡ 'thẻ vàng' IUU Đà Nẵng: Xử lý 144 tàu cá không đủ điều kiện khai thác thủy sản thế nào? |
Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan, đơn vị, địa phương tại tỉnh Quảng Bình, công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã có nhiều chuyển biến tích cực nhằm mục đích sớm “gỡ thẻ vàng” của EC.
Tính đến giữa tháng 10, tỉnh Quảng Bình có 3.921 tàu đã đăng ký (99,7%), 1.226 tàu còn hạn đăng kiểm (85%), 3.713 tàu cá còn hạn giấy phép (94,4%). Địa phương đã hoàn thành việc đánh dấu tàu cá (3.942 tàu/3.942 tàu), 1.137 tàu cá lắp đặt VMS (98,1%).
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, tính đến tháng 10/2024, các đồn Biên phòng tuyến biển tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hàng trăm hội nghị tuyên truyền tập trung, lưu động, cấp phát hàng nghìn tờ rơi, tuyên truyền trên loa phát thanh, băng rôn, panô cho hàng nghìn lượt người nghe và yêu cầu 7.473 lượt thuyền trưởng, chủ tàu ký cam kết không vi phạm IUU.
Đồng thời, 4 tổ công tác cùng các tàu, xuồng của Hải đội 2 và các tổ, đội công tác các đồn, trạm kiểm soát, phối hợp với lực lượng Công an, Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhà mạng cung cấp thiết bị VMS tiến hành tổng kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động nhằm chống khai thác IUU trên toàn tỉnh.
![]() |
Tỉnh Quảng Bình đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác chống khai thác IUU đem đến nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Bộ đội Biên phòng Quảng Bình |
Các lực lượng kiên quyết không cho tàu cá xuất bến nếu không bảo đảm đầy đủ thủ tục, giấy tờ, máy móc, trang thiết bị theo quy định; tập trung vào đối tượng tàu cá ngoại tỉnh và tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên; cập nhật cơ sở dữ liệu nghề cá, tàu cá lắp đặt thiết bị VMS và truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình, thời gian vừa qua, các địa phương, cảng cá, đơn vị trên địa bàn đã thực hiện giám sát lượng thủy sản khai thác theo yêu cầu; tất cả các điểm bốc dỡ tại tỉnh đã được giám sát. Tuy nhiên, công tác giám sát sản lượng chưa chặt chẽ, chất lượng giám sát sản lượng chưa được đảm bảo, khối lượng giám sát còn hạn chế so với tổng sản lượng khai thác.
Nguyên nhân chủ yếu là hạ tầng cảng cá chưa đáp ứng nhu cầu cập cảng. Số lượng tàu cá ở các bãi ngang lớn hầu như không cập cảng cá để bốc dỡ. Việc quản lý thu mua, chuyển tải, ghi nhật ký thu mua, chuyển tải chưa chặt chẽ. Việc thống kê sản lượng thủy sản còn nhiều bất cập…
Ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - vừa yêu cầu các đơn vị, địa phương ven biển có điểm bốc dỡ thủy sản tổ chức lực lượng, bố trí nhân lực, trang thiết bị để thực hiện giám sát thủy sản khai thác tại các điểm bốc dỡ; tổ chức giám sát chặt chẽ các cơ sở thu mua hải sản, nhất là các cầu tạm, bến cóc, "nậu cá"..., đảm bảo 100% tàu cá vào bốc dỡ thủy sản khai thác tại các cảng cá loại II, loại III và điểm bốc dỡ đã có đăng ký; xử lý nghiêm các hành vi tiếp tay, tiêu thụ thủy sản từ tàu cá vi phạm khai thác IUU.
“Các cơ quan chức năng hướng dẫn cảng cá loại III thuộc địa bàn quản lý bố trí nhân lực, trang thiết bị thực hiện kiểm soát tàu cá ra, vào cảng; giám sát 100% tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản khai thác theo quy định; thu nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản, nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản đảm bảo chất lượng đúng quy định; thường xuyên thực hiện việc cập nhật dữ liệu nhật ký khai thác thủy sản, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng vào phần mềm Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo.