Tỉnh Quảng Ninh công bố loạt gói kích cầu du lịch dịp cuối năm 2024 Quảng Ninh vươn mình cùng hệ thống cảng biển hiện đại Quảng Ninh: Vươn tầm trung tâm logistics hàng đầu miền Bắc |
Là một trong 28 địa phương có biển trong cả nước, Quảng Ninh luôn xác định tầm quan trọng của việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU), coi việc gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Ngày 1/9/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về tăng cường quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Thông qua những giải pháp phù hợp trong thực hiện Chỉ thị 18, ý thức, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh về quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đã có nhiều chuyển biến; nhận thức của người dân, nhất là ngư dân đối với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được nâng lên rõ rệt.
Đặc biệt, ngày 30/12/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 227/KH-UBND về Thực hiện công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định gắn với thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 1/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đoàn liên ngành thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU. Ảnh: Đỗ Phương |
Ngoài các văn bản, quy định của Trung ương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ động ban hành và triển khai trên 13 văn bản quy định về quản lý, phân công, phân cấp, xử lý tang vật vi phạm, công tác bảo vệ nguồn lợi, thiết lập thành lập các điểm kiểm tra, kiểm soát tàu cá, sản lượng thủy sản khai thác…
Tỉnh cũng tiếp tục nghiên cứu tích hợp, sửa đổi, bổ sung các quy định, quyết định liên quan đến công tác khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh và các quy định của pháp luật có liên quan; ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và hỗ trợ lắp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 5.556 tàu cá; 4.242/4.247 tàu đăng ký và đăng ký tạm (tàu dài từ 6m trở lên phải đăng ký), đạt 99,88%, trong đó, 4.072 tàu được cấp phép và cấp phép tạm, đạt 95,88%; 725/730 tàu dài từ 12m trở lên (diện phải đăng kiểm) cập nhật dữ liệu đăng kiểm, đạt 99,32%; sản lượng hải sản bốc dỡ qua các điểm kiểm soát tàu cá và thống kê từ các xã, phường, thị trấn là 44.928,27/46.375 tấn, đạt 96,88%.
Đối với 258 tàu cá dài từ 15m trở lên đang hoạt động đã lắp thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 100%. 100% tàu cá trên địa bàn tỉnh đã được cập nhật dữ liệu trên hệ thống VNFISHBASE theo chỉ đạo từ tháng 5/2024.
Từ đầu năm 2024 đến nay, không có tàu cá mất tín hiệu kết nối giám sát trên biển trên 10 ngày. Từ năm 2017 đến nay, Quảng Ninh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.
Nuôi cá biển tại vụng Thoi Dây, thôn Phúc Tiến, xã Tân Lập, Đầm Hà. Ảnh: Hữu Việt |
Ngày 4/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 111/CĐ-TTg về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra lần thứ 5 của ủy ban châu Âu.
Thực hiện Công điện của Chính phủ, Quảng Ninh tiếp tục tăng cường các giải pháp, quyết tâm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần thứ 5 của EC, không để ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành thủy sản, đời sống sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển; bảo vệ uy tín, vị thế, hình ảnh của quốc gia.
Trong đó, tỉnh yêu cầu các địa phương, các ngành liên quan xử lý dứt điểm tàu cá "3 không", tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động....
Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định khai thác IUU để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chống khai thác IUU trên địa bàn.
Ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo IUU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhấn mạnh, số vụ vi phạm giảm theo từng năm cho thấy ý thức chấp hành các quy định về đánh bắt hải sản của ngư dân được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, Quảng Ninh có những sáng kiến trong công tác đăng ký tạm đối với những tàu cá "3 không", đây là một trong những giải pháp, tuy nhiên, cần thúc đẩy nhanh hơn nữa trong việc hoàn thiện đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác cho khối tàu này.
"Đối với Quảng Ninh có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản rất lớn, nên tỉnh định hướng giảm khai thác ven bờ, phát triển nuôi trồng thủy sản, tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản, để vừa phát triển kinh tế thủy sản vừa đảm bảo phát triển của ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm để cùng với cả nước hội nhập quốc tế", ông Hùng thông tin.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, kiên quyết ngăn chặn, xử lý tình trạng tàu cá khai thác IUU và bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững. Từ những kết quả tích cực, Quảng Ninh sẽ "chung tay" cùng các tỉnh, thành phố có biển trong cả nước thực hiện mục tiêu gỡ "thẻ vàng" thuỷ sản trong năm 2024.