Thời gian qua, Quảng Ninh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cấp bách nhằm giải quyết vấn đề "thẻ vàng" về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) mà Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo đối với Việt Nam.
Với vùng lãnh hải rộng hơn 6.000km², đường bờ biển dài trên 250km và hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, Quảng Ninh không chỉ là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, để gỡ "thẻ vàng" và hướng tới phát triển bền vững, địa phương này đang đẩy mạnh các biện pháp quản lý, giám sát và tuyên truyền nhằm hạn chế tối đa tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp.
Theo báo cáo từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng này đã phát hiện và xử lý 92 vụ việc liên quan đến khai thác hải sản trái phép với tổng số tiền phạt gần 1,4 tỷ đồng. Trong số đó, nhiều đối tượng sử dụng các công cụ tận diệt như chã cào, kích điện và máy bơm hút, thổi tự chế.
Trả lời báo chí, Trung tá Phạm Hồng Tuyến - Chính trị viên Hải đội 2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh - cho biết: "Mặc dù đa số ngư dân đã chấp hành tốt các quy định pháp luật, vẫn còn một số cá nhân vi phạm do thiếu hiểu biết hoặc cố tình. Hải đội 2 đã phối hợp với các đồn biên phòng xây dựng kế hoạch, tổ chức tuần tra, kiểm soát tại các điểm nóng nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm này".
Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, BĐBP tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền cho ngư dân về IUU. Ảnh:quangninh.vn |
Đặc biệt, hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS) đã được triển khai hiệu quả với 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát. Các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên theo dõi các tàu cá, lập danh sách tàu có nguy cơ cao vi phạm IUU để phối hợp xử lý kịp thời.
Không chỉ tập trung xử phạt, Quảng Ninh còn chú trọng đến công tác tuyên truyền và hỗ trợ ngư dân nâng cao nhận thức về chống khai thác IUU. Trong tháng 10/2024, các lực lượng chức năng và UBND các địa phương đã tổ chức 29 buổi tuyên truyền pháp luật cho 3.682 lượt ngư dân, đồng thời phát 2.947 tài liệu về quy định khai thác thủy sản, bản đồ phân vùng và nhật ký khai thác.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ các hộ dân phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Những mô hình như nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao, sử dụng nguồn giống chất lượng và phương pháp nuôi thân thiện với môi trường đang được khuyến khích triển khai rộng rãi.
Trong năm 2024, toàn tỉnh Quảng Ninh đã xử lý 392 trường hợp vi phạm IUU với tổng số tiền phạt lên đến 4,1 tỷ đồng. Song song với các biện pháp hành chính, chính quyền Quảng Ninh còn kêu gọi sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng mối quan hệ mật thiết với ngư dân, biến mỗi người dân thành "tai mắt" trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi khai thác bất hợp pháp. Sự đồng hành này không chỉ củng cố an ninh trên biển mà còn tạo nền tảng cho mối quan hệ quân dân ngày càng gắn bó.
Gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU không chỉ là mục tiêu trước mắt mà còn là chiến lược dài hạn của Quảng Ninh và cả nước nhằm bảo vệ môi trường biển, đảm bảo sinh kế cho ngư dân và nâng cao vị thế của thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các cơ quan chức năng và người dân, Quảng Ninh đang chứng minh quyết tâm trở thành địa phương đi đầu trong cuộc chiến chống khai thác IUU. Những nỗ lực này sẽ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần xây dựng một ngành thủy sản phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và giữ gìn nguồn tài nguyên biển cho thế hệ mai sau.