Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông thủy sản: Ba giải pháp trọng tâm Nửa đầu năm 2021, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn thu về 611,69 triệu USD |
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/8/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,86 triệu tấn, trị giá 725,99 triệu USD, tăng 12,1% về lượng và tăng 26,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn chủ yếu của Việt Nam (chiếm khoảng 93% tổng sản lượng sắn và sản phẩm sắn xuất khẩu). 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gần 1,65 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 636,02 triệu USD, tăng 14,2% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gần 1,65 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 636,02 triệu USD |
Thời gian vừa qua, Trung Quốc hay thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu (cấm biên, đóng/mở nhiều cửa khẩu, danh sách xuất khẩu, thay đổi quy định nhãn mác bao bì, hạn chế số lượng xe qua cửa khẩu, thời gian mở cửa khẩu ít…) đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong đó có ngành sắn.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu sắn lát (mã HS 071410) của Trung Quốc đạt 989,73 triệu USD, tăng 99,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn lát cho Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2021 với 116,36 triệu USD, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 11,8% trong tổng trị giá nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, giảm so với mức 15,1% của 7 tháng đầu năm 2020.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu sắn lát của Thái Lan trong 7 tháng đầu năm 2021 với 865,4 triệu USD, tăng tới 120,9% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần sắn lát của Thái Lan chiếm 87,4% trong tổng trị giá nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 78,9% của 7 tháng đầu năm 2020.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu tinh bột sắn (mã HS 11081400) của Trung Quốc đạt 1,95 triệu tấn, trị giá 923,25 triệu USD, tăng 20,9% về lượng và tăng 40,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Thái Lan là thị trường cung cấp tinh bột sắn lớn nhất cho Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2021, với 1,45 triệu tấn, trị giá 694,81 triệu USD, tăng 58,8% về lượng và tăng 81,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc, trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 289,87 nghìn tấn, trị giá 123,53 triệu USD, giảm 55,4% về lượng và giảm 47,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2021 chiếm 14,9%, giảm mạnh so với mức 40,3% của cùng kỳ năm 2020; trong khi thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm 74,2%, tăng mạnh so với mức 56,5% của cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, 7 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc tăng nhập khẩu tinh bột sắn từ Indonesia với 155,2 nghìn tấn, trị giá 69,36 triệu USD, thị phần tinh bột sắn của Indonesia chiếm 8% trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc.
Hiệp hội sắn Việt Nam nhận định, trong mấy tháng gần đây Trung Quốc có xu hướng giảm nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam, trong khi tăng nhập khẩu từ Thái Lan, mặc dù giá nhập khẩu tinh bột sắn từ Thái Lan cao hơn của Việt Nam. Điều này cho thấy, tinh bột sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh tại thị trường Trung Quốc.
Mặt khác, hiện tại, do yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19 nên hàng hóa, phương tiện và nhân lực (lái xe, công nhân bốc xếp) đều phải được trang bị phương tiện bảo hộ, khử trùng và test Covid khi tham gia việc giao nhận hàng hóa. Điều này làm phát sinh tăng chi phí xuất nhập khẩu hàng hóa, đồng thời làm giảm tiến độ giao nhận hàng hóa.
Hiện nay đã bắt đầu vào vụ sản xuất chính, trong khi chỉ có 2 trên 6 cửa khẩu khu vực Lạng Sơn phía bạn (Trung Quốc) cho hàng tinh bột sắn qua, đó là cửa khẩu: Tân Thanh và Chi Ma (mỗi cửa khẩu chỉ mở khoảng 5 tiếng/ngày); cửa khẩu: Na Hình; Pò Nhùng; Nà Nưa; Cốc Nam (hiện đang đóng phía Trung Quốc). Hiệp hội sắn kiến nghị cơ quan chức năng đàm phán với phía bạn cho mở thêm các cửa khẩu nêu trên và các cửa khẩu đang hoạt động thì cho kéo dài thời gian mở cửa khẩu mỗi ngày.
Đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có văn bản tới Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc đăng ký bã sắn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Theo Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 thì tinh bột sắn là sản phẩm được cấp hạn ngạch miễn thuế quan (0%) đứng thứ hai sau lúa gạo cho số lượng là 30.000 tấn/năm (thuế suất nhập khẩu tinh bột sắn vào EU ngoài hạn ngạch là 166 EUR/tấn; sắn củ tươi, sắn đông lạnh cắt lát hoặc không ngoài hạn ngạch tính thuế là 9,5 EUR/kg). Hiện nay ngành sắn Việt Nam vẫn chưa tận dụng được các cơ hội nêu trên.
Hiệp hội Sắn Việt Nam đang quan tâm và mong muốn xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực có ký FTA với Việt Nam như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản,... với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, các ban ngành liên quan để tận dụng các cơ hội hưởng hạn ngạch thuế quan và mở rộng thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam.