Xuất khẩu liên tục tăng, giấy Việt vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên thị trường
Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhu cầu nhập khẩu mặt hàng giấy các loại (HS 48, 53) của thế giới là rất lớn. Trong giai đoạn 2016 – 2020, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của thế giới trung bình đạt 168 tỷ USD/năm; trong năm 2020 đạt 162 tỷ USD, giảm 7,46% so với năm 2019 nhưng tăng 2,69% so với năm 2016.
Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu giấy các loại thế giới, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 26. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu liên tục được cải thiện, nhưng xuất khẩu mặt hàng giấy các loại của Việt Nam vào thị trường thế giới chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ.
Năm 2016, xuất khẩu giấy các loại của Việt Nam vào thị trường thế giới đạt 555 triệu USD thì năm 2020 đạt 1,42 tỷ USD, chỉ chiếm thị phần 0,88% trong tổng kim ngạch thương mại mặt hàng giấy các loại của thế giới.
Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, theo Trung thâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương): Châu Á vẫn là thị trường chủ yếu xuất khẩu mặt hàng giấy các loại của Việt Nam với tỷ trọng chiếm tới 70,6% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng.
Trong đó, Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản là 3 thị trường lớn nhất thuộc khu vực châu Á; tiếp đến là thị trường Mỹ và ASEAN… Trong năm 2020, ngoài những thị trường xuất khẩu chủ lực, Việt Nam đã tăng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác.
Thời gian tới, mặt hàng giấy các loại của Việt Nam được nhận định còn nhiều cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường thế giới, từng bước nâng cao thị phần.
Bên cạnh đó, hiện nay, tiêu thụ giấy bình quân của người dân trong nước còn rất thấp, đạt 50,7kg/người/năm so với mức tiêu thụ bình quân của thế giới là 70kg/người/ năm, Thái Lan 76 kg/người/năm, Mỹ và EU 200 - 250 kg/người/năm.
Do vậy, thị trường trong nước cũng được đánh giá còn nhiều khoảng trống có thể đẩy mạnh khai thác, đặc biệt là phân khúc sản phẩm giấy bao bì cao cấp (tráng phủ).