Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ năm 2021 ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2020. Đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính với tỷ trọng chiếm 87,6% tổng kim ngạch cả năm, tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách, phòng ăn và đồ nội thất phòng ngủ.
Ảnh minh họa |
Với sự nỗ lực của doanh nghiệp, để duy trì sản xuất và xuất khẩu, cùng các chính sách linh hoạt của Chính phủ trong giai đoạn khó khăn bởi tác động của dịch bệnh, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới Mỹ đã đạt được kết quả tốt trong năm 2021. Tiếp đà tăng trưởng trong năm 2021, dự báo, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ dự báo đạt 10 tỷ USD trong năm 2022.
Dù có nhiều cơ hội, nhưng ngành công nghiệp gỗ, đặc biệt là ngành công nghiệp đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là các biện pháp phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container rỗng tiếp nối từ năm 2020 và đang tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu của Việt Nam khi rủi ro dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn tại nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, khi xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp gặp khó khăn về phí logistics. Chi phí vận chuyển 1 container đồ gỗ sang Mỹ dao động từ 20.000 - 30.000 USD, tăng gấp 4 lần so với trước đây, điều này khiến sức cạnh tranh của hàng Việt Nam bị ảnh hưởng.
Ông Bùi Huy Sơn - Tham tán Công sứ, Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ - khuyến nghị, thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ liên tục thay đổi, do đó các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng và hàm lượng kỹ thuật trong các sản phẩm mới, phù hợp với xu hướng, nhu cầu tiêu dùng mới, chú trọng tính hợp pháp và sự an toàn, thân thiện với môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử từ khâu xúc tiến, quảng bá đến tiêu thụ sản phẩm để khắc phục những bất cập trong bối cảnh dịch bệnh. Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại quốc tế ngày càng khốc liệt, cần thường xuyên đánh giá các nguy cơ về cạnh tranh không lành mạnh, chuyển tải hàng hóa để hạn chế rủi ro về phòng vệ thương mại.
Doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục kiểm soát chặt nguồn gốc gỗ, sản phẩm gỗ phải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và lao động, với các yêu cầu đặt ra mạnh mẽ hơn. |