Xuất khẩu cá tra tiếp tục lao đao vì dịch
Xuất khẩu giảm sâu
Từ đầu năm tới nay Công ty CP Thủy sản Sông Tiền - SOTICO (Tiền Giang) liên tục phải đón những thông tin không mấy khả quan cho xuất khẩu sản phẩm cá tra. Tính đến hết tháng 7, sản lượng cá tra xuất khẩu của doanh nghiệp này ước tính giảm trên 50% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được bà Nguyễn Thị Ánh - Chủ tịch HĐQT của SOTICO cho biết, do tác động từ đại dịch khiến nhiều đơn hàng cá tra đi Trung Quốc chưa thể phục hồi, còn tại thị trường EU, Trung Đông - do mới khởi động lại từ đầu tháng 7 nên số lượng chưa nhiều.
Giá cá tra tại khu vực ĐBSCL đang ở mức thấp kỷ lục do xuất khẩu giảm mạnh |
Giống như SOTICO, Công ty CP Thủy sản Trường Giang (tỉnh Đồng Tháp) cũng ảnh hưởng nặng từ đại dịch. Ông Ong Hàng Văn - Phó Giám đốc Công ty này cho biết, trong 7 tháng đầu năm, dù đã rất nỗ lực mở thêm nhiều thị trường mới như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc để bù đắp sự sụt giảm từ các thị trường truyền thống lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU song xuất khẩu cá tra của công ty vẫn giảm 30% so với cùng kỳ 2019.
Ông Nguyễn Văn Kịch - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang) - thừa nhận, con cá tra Việt Nam đang ở trong tình trạng khủng hoảng thừa. Nguyên nhân là do, thời gian qua mặt hàng này ở tình trạng dư cung, trong khi đó diễn biến của dịch bệnh Covid-19 khiến việc tiêu thụ bị chậm lại. Trong ngắn hạn, rất khó để tìm ra giải pháp với mặt hàng này.
Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ước tính xuất khẩu cá tra của cả nước trong 7 tháng đầu năm nay chỉ đạt 828 triệu USD, giảm mạnh giảm 26,9% so với cùng kỳ.
Việc xuất khẩu giảm mạnh được ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chỉ ra rằng, dịch bệnh khiến các hoạt động ăn uống của người dân thế giới giảm mạnh. Hệ thống nhà hàng, khách sạn tại nhiều nước chứng kiến lượng khách ít ỏi. Mặt hàng cá tra và thủy sản lại nhờ vào sức tiêu thụ chính của các hệ thống này nên cũng bị ảnh hưởng theo.
Tận dụng EVFTA để bứt tốc
Theo các doanh nghiệp cá tra, trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ có các chiến lược để tăng cường quảng bá hình ảnh của con cá tra tại các thị trường lớn, nhất là tại EU để tận dụng lợi thế về thuế quan sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Điển hình như trường hợp của Công ty CP Thủy sản Nam Việt (An Giang). Bà Đỗ Thị Thu Thủy - Phụ trách phòng kinh doanh Công ty chia sẻ, những tháng cuối năm công ty sẽ tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU. Hiện nay, công ty đã xây dựng dây chuyền khép kín, đầu tư vùng nuôi 600 ha theo tiêu chuẩn quốc tế, hiện đại. Công ty cũng thay đổi cơ cấu sản phẩm, đưa ra nhiều sản phẩm như cá filet, chả cá, surimi từ cá thay vì chỉ có phi lê như trước đây.
Với SOTICO, bà Nguyễn Thị Ánh cho biết công ty đang tiếp tục chào hàng tại các thị trường mới ở EU để tận dụng thuế quan từ Hiệp định EVFTA. “Hiện có một số đối tác ở EU đề xuất đơn hàng với chúng tôi nhưng do giá chưa hợp lý nên SOTICO đang xem xét đàm phán”, bà Ánh cho biết.
Cùng với các giải pháp trên, nhiều doanh nghiệp cá tra khác đang tích cực mở rộng hoạt động giao thương trực tuyến để tìm thêm thị trường và đối tác mới. Theo ông Trương Đình Hòe, với tình hình như hiện nay, trong năm 2020 mặt hàng cá tra có thể chỉ đạt giá trị xuất khẩu trên dưới 1,6 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu là trên 2 tỷ USD hồi đầu năm nay.
Việc xuất khẩu giảm kéo giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đang ở mức thấp, khiến hàng loạt hộ nuôi lâm vào khó khăn. Cụ thể, hiện nay giá cá tra dao động từ 17.000 - 18.000 đồng/kg (tùy loại), với mức này người nuôi chịu lỗ từ 3.000- 5.000 đồng/kg nên nhiều hộ nuôi cho biết không khi thu hoạch hết lứa sẽ treo ao để giảm lỗ. |