Xuất khẩu cà phê vẫn còn dư địa tăng trưởng mạnh về giá Xuất khẩu cà phê sang thị trường New Zealand tăng trưởng 3 con số Xuất khẩu cà phê Robusta tiếp tục khởi sắc |
Giá cà phê xuất khẩu tiếp tục tăng
Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày 24/08 (sáng 25/8 giờ Việt Nam), sắc xanh bao trùm lên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Giá Arabica tiếp tục khởi sắc nhưng mức tăng tương đối yếu, đóng cửa giá chỉ nhích nhẹ 0,26% so với tham chiếu. Chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD và đồng Real của Brazil tăng nhẹ sau 2 phiên giảm sâu trước đó, đã phần nào kích thích nhu cầu bán hàng của nông dân. Điều này khiến cho lực bán trở lại trên thị trường, từ đó thu hẹp mức tăng của giá.
Giá cà phê xuất khẩu tiếp tục tăng |
Giá Robusta ghi nhận mức tăng nhẹ 0,17%. Tồn kho Robusta trên Sở ICE nối tiếp đà giảm về mức 35.990 tấn, mức thấp kỷ lục mới từng được ghi nhận. Điều này khiến thị trường lo ngại về việc đảm bảo đủ nguồn cung trên toàn cầu, ngay cả khi xuất khẩu vẫn được đẩy mạnh tại Brazil.
Như vậy, giá cà phê xuất khẩu đã liên tục tăng từ đầu tuần đến nay. Với việc tồn kho ở mức thấp, dư địa để tăng trưởng giá xuất khẩu cà phê vẫn còn rất khả quan từ nay đến cuối năm.
Ở trong nước, luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/8, nước ta đã xuất khẩu 1,54 triệu tấn cà phê, tương đương 2,81 tỷ USD, giảm 20% về lượng nhưng tăng gần 5% về giá trị do giá. Dự báo, xuất khẩu cà phê năm nay có thể đạt 4 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Cà phê-Cacao Việt Nam, giá cà phê tăng liên tục là do cung không đủ cầu. Dự báo sản lượng cà phê năm nay giảm đến 10-15%/năm do thời tiết không thuận lợi. Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện.
Phát triển bền vững ngành hàng cà phê xuất khẩu
Cùng với xuất khẩu, nhiều vùng trọng điểm sản xuất cà phê cũng đang hướng tới phát triển bền vững thị trường tiêu thụ nội địa. Thời gian qua, sự xuất hiện của nhiều thương hiệu cà phê Việt và chuỗi cung ứng quốc tế đến từ các công ty trong ngành cà phê đã khiến tiêu thụ nội địa tăng khá.
Điển hình như Đắk Lắk, năm 2022, tỉnh có trên 250 cơ sở chế biến cà phê; trong đó có 235 cơ sở chế biến cà phê bột, cà phê hạt rang và 15 cơ sở chế biến cà phê hòa tan. Như vậy, tỉnh Đắk Lắk có ít nhất 250 nhãn hiệu cà phê chế biến cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đắk Lắk cũng đang khuyến khích doanh nghiệp c phê nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, mở mang thị trường nội địa làm nền tảng để xây dựng thương hiệu quốc gia.
Phát triển cà phê đặc sản với mục tiêu xây dựng thương hiệu, từ đó khẳng định vị thế ngành cà phê Việt Nam đang nhận được sự quan tâm, thúc đẩy từ phía Nhà nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt “Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu đến năm 2025 diện tích cà phê đặc sản của nước ta là 2% tổng diện tích, tương đương sản lượng ở mức 5.000 tấn và sẽ tăng lên tương ứng 3% và 11.000 tấn trong năm 2030.
Mới đây, Lễ khởi động triển khai xây lắp hợp phần 5 “Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại vùng Tây Nguyên” vừa được diễn ra tại tỉnh Gia Lai.
Hợp phần 5 của dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại vùng Tây Nguyên gồm: Xây dựng đường giao thông nông thôn loại A,B có tổng chiều dài khoảng 27,43km kết nối vùng nguyên liệu. Trong đó, tỉnh Gia Lai đầu tư xây dựng 6 tuyến đường, tổng chiều dài 12,43 km, tỉnh Đắk Lắk đầu tư xây dựng 5 tuyến với tổng chiều dài 15 km. Xây dựng mới 3 nhà kho chứa cà phê cho 3 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, tổng diện tích hơn 1000m2. Xây dựng mới 2 nhà kho kết hợp nhà trưng bày sản phẩm cà phê cho hợp tác xã tại tỉnh Gia Lai – Đắk Lắk với diện tích 158 m2/nhà. Tổng mức đầu tư hợp phần 5 khoảng 80 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án đầu tư nhằm hình thành vùng sản xuất nguyên liệu cà phê quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk; phát triển và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trong chuỗi giá trị cà phê; đáp ứng yêu cầu về mặt chất lượng và giảm giá thành sản phẩm nguyên liệu cà phê phục vụ chế biến và xuất khẩu; tăng thu nhập góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương.