Xuất hiện hình thức lừa đảo trực tuyến mới sử dụng công nghệ AI
Cuộc gọi video deepfake: Hình thức lừa đảo trực tuyến mới
Sáng ngày 5/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông trong tháng 4 năm 2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới.
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông trong tháng 4 |
Tại buổi họp báo, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, thời gian gần đây xuất hiện hình thức lừa đảo trực tuyến mới là cuộc gọi video deepfake. Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến
Deepfake đang là một mối đe dọa đối với sự trung thực và tin cậy của video và hình ảnh. Nó có thể được sử dụng không chỉ để lừa đảo trực tuyến mà còn sử dụng cho các mục đích khác như tấn công chính trị, tạo ra những tin tức giả mạo hoặc phá hoại danh tiếng của người khác.
Phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhắm tới việc lừa đảo tài chính. Đối với các cuộc gọi deepfake như hiện nay thì bằng mắt thường vẫn có thể có một số các dấu hiệu để nhận biết như thời gian gọi thường rất ngắn chỉ vài giây. Khuôn mặt của họ thiếu tính cảm xúc và khá “trơ” khi nói, hoặc tư thế của họ trông lúng túng, không tự nhiên, hoặc là hướng đầu và cơ thể của họ trong video không nhất quán với nhau…
Ngoài ra, cũng có thể thấy màu da của nhân vật trong video bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí. Điều này có thể khiến cho video trông rất giả tạo và không tự nhiên. Âm thanh cũng là một vấn đề có thể xảy ra trong video. Âm thanh sẽ không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh.
Có thể xảy ra tình huống mà tài khoản chuyển tiền không phải của người đang thực hiện cuộc gọi và thường kẻ gian sẽ ngắt giữa chừng, bảo là mất sóng, sóng yếu... Tóm lại, các yếu tố kỳ lạ như trên là báo hiệu đỏ của deepfake. Người dân nên luôn cảnh giác và tuyệt đối bình tĩnh.
"Trong lúc chúng ta chờ giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn triệt để được các hình thức này, rất cần các cơ quan truyền thông tuyên truyền rộng rãi tới người dân để có thể nắm bắt kịp thời các thông tin và thủ đoạn để đề phòng" - đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Phát hiện và bắt giữ 2 trạm BTS giả phát tán tin nhắn rác
Cũng tại buổi họp báo, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, về công tác chuẩn hoá thông tin thuê bao, đến ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành việc xử lý tập thuê bao bị khoá 1 chiều trong đó: đã có hơn 500 nghìn thuê bao đi chuẩn hoá lại và 1,15 triệu thuê bao bị tạm dừng dịch vụ 2 chiều theo quy định (đến ngày 15/5, các thuê bao không chuẩn hoá sau khi bị tạm dừng 2 chiều sẽ bị thu hồi).
Từ ngày 15/4 đến hết ngày 24/4, đã có hơn 83 nghìn thuê bao thực hiện chuẩn hoá lại sau khi bị khoá 2 chiều, chiếm 7,2% tổng số thuê bao đã bị khoá 2 chiều.
Đáng chú ý, trong công tác phát hiện và xử lý các trạm BTS giả phát tán tin nhắn rác, cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Cục A05, Bộ Công an phát hiện và bắt giữ 2 vụ/2 BTS giả (tại Hưng Yên, Thái Nguyên) để phát tán tin nhắn lừa đảo.
Đồng thời, đã mở rộng điều tra bắt 01 vụ/01 BTS giả tại Bắc Giang (trong tháng 3/2023 phát hiện và bắt 08 vụ/9 BTS giả tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Thanh Hóa, Quảng Nam).
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) thông tin thêm, tính đến ngày 4/5, vẫn còn hơn 1 triệu thuê bao bị khoá 2 chiều do chưa chuẩn hoá thông tin thuê bao di động. Sau ngày 15/5 tới, các thuê bao này không chuẩn hoá thông tin sẽ bị các doanh nghiệp viễn thông thu hồi theo quy định.
Trong tháng 5, 6 này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức trên diện rộng với sự tham gia của Sở Thông tin và Truyền thông tại các địa phương về vấn đề vi phạm này.
Về cuộc gọi rác, theo ông Nguyễn Thành Phúc, vấn đề này vẫn xảy ra. Vì vậy, Cục Viễn thông tiếp tục triển khai mạnh mẽ, kiên quyết một số biện pháp trong thời gian tới gồm: Chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông tiếp tục triển khai chuẩn hoá thông tin thuê bao, xử lý tình trạng sim thuê bao không xác định thông tin, thuê bao rác; tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng như Bộ Công an để xử lý các cuộc gọi lừa đảo, điều tra, xử lý các trạm BTS giả.
Đồng thời, sẽ đôn đốc, kiểm tra, đánh giá và xây dựng triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn các cuộc gọi rác; cung cấp cho người sử dụng công cụ và cho phép người sử dụng chủ động ngăn chặn các cuộc gọi rác, lừa đảo từ những thiết bị hiện đại; ngăn chặn và xử lý vi phạm cuộc gọi điện quảng cáo; đôn đốc, kiểm tra, thu hồi các thiết bị thực hiện các cuộc gọi rác; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đối với các cuộc gọi rác…