Công ty CP Quốc tế Sơn Hà liên tục có các vụ M&A trong năm 2017 |
Ngày 20/10 vừa qua, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường, HĐQT Công ty CP Quốc tế Sơn Hà (SHI) đã thông qua phương án mua lại thương hiệu bồn nước inox Toàn Mỹ. Đây là thương hiệu M&A mới nhất và khá lớn trên thị trường bồn nước inox.
Không chỉ riêng Sơn Hà, hoạt động M&A vẫn đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên thị trường. Trong một phát biểu của mình gần đây, tỷ phú Trung Quốc - Jack Ma đã chia sẻ về việc tập đoàn thương mại điện tử với quy mô hơn 260 tỷ USD đang phải cố gắng “chinh phục những vùng đất mới” thông qua việc đẩy mạnh khả năng thâm nhập thị trường nước ngoài nhằm duy trì quỹ đạo tăng trưởng. Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra với các đại gia lớn trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam.
Năm 2016 hàng loạt thương vụ M&A đình đám đã được tiến hành như Central Group (Thái Lan) mua lại Big C Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD, TCC Holdings mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam với giá ước tính 430 triệu USD… Ngoài ra, các thông tin về Mizuho mua lại cổ phần của Vietcombank, IFC mua của Vietinbank... cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mong muốn được đầu tư chiến lược vào các tổ chức tài chính lớn cổ phần hóa.
Với các doanh nghiệp thuần Việt, tháng 8/2017, Thế giới di động đã mạnh tay chi 2.500 tỷ đồng cho các thương vụ M&A mua lại Trần Anh và hướng tới sáp nhập chuỗi bán lẻ dược phẩm. Hoặc ngày 20/10 vừa qua, một vụ M&A lớn đã diễn ra trong ngành hàng inox khi tại Đại hội đồng cổ đông bất thường, HĐQT Công ty CP Quốc tế Sơn Hà (SHI) đã thông qua phương án mua lại thương hiệu bồn nước inox Toàn Mỹ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc mua bán sáp nhập sẽ giúp các DN tăng sức cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp Việt đều có quy mô nhỏ. Đơn cử, việc mua lại Trần Anh sẽ cho phép Thế giới di động tiếp cận tốt hơn khách hàng ở khu vực phía Bắc, tăng gấp đôi thị phần bán lẻ điện máy tại thị trường Hà Nội lên khoảng 30%. Đồng thời, việc sáp nhập chuỗi bán lẻ giúp nhà đầu tư này nhanh chóng nắm bắt cơ hội chiếm “ngôi vương” bởi thay vì phải mất 2-3 năm để tìm hiểu về mô hình dược phẩm hoàn toàn mới, tiến hành M&A, Thế giới di động sẽ không mất công tìm hiểu và xây dựng từ đầu mà có thể nhanh chóng phủ sóng thị trường.
Riêng với Sơn Hà, đại diện tập đoàn này cho biết, việc thâu tóm thành công Toàn Mỹ - một thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực ngành hàng inox gia dụng được kỳ vọng sẽ giúp “vua bồn nước” inox Sơn Hà thêm lớn mạnh về cả ngành hàng công nghiệp - vật tư nước và gia dụng. Bởi Toàn Mỹ được biết đến là công ty nổi tiếng trong ngành hàng inox gia dụng, với hàng loạt sản phẩm như bồn nước, kệ bếp, chậu rửa, bồn nhựa nguyên sinh, máy lọc nước thương hiệu AquaPro, hàng nội thất… Tiếp quản và vận hành 3 nhà máy của Toàn Mỹ cũng như hệ thống cửa hàng, chi nhánh sẽ giúp Tập đoàn Sơn Hà nhanh chóng chiếm được lợi thế, chinh phục thị trường miền Nam.
Trước đó, đầu năm 2017, Sơn Hà đã thâu tóm thành công thương hiệu Trường Tuyền - một thương hiệu bồn inox có mặt sớm nhất trên thị trường Việt Nam (năm 1992), đặt nền móng cho những tên tuổi khác phát triển sau này. Do đó, có thể nói, năm 2017 là một năm thành công của Sơn Hà với nhiều thương vụ M&A lớn, từng bước chinh phục ước mơ “Dựng xây ngôi nhà Việt”, tạo ra một chuỗi giá trị bao phủ từ nóc nhà tới từng căn bếp, nhà tắm… nhằm mục tiêu mỗi người Việt sẽ sở hữu ít nhất 1 sản phẩm Sơn Hà.