Giá trị thương vụ không được hai bên công bố, nhưng đây được xem là hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) đầu tiên của bệnh viện FV sau 19 năm đầu tư tại Việt Nam.
Bác sĩ Jean-Marcel Guillon, Tổng giám đốc bệnh viện FV, kiêm tân Chủ tịch ACC (bên phải) và bác sĩ người Mỹ Wade Brackenbury, đại diện của ACC công bố thương vụ mua 100% cổ phần và sáp nhật ACC vào bệnh viện FV. |
Nói về lý do quyết định sở hữu 100% hệ thống ACC, lãnh đạo FV cho biết, chuỗi phòng khám ACC có nhiều tiêu chí chiến lược rất phù hợp với kế hoạch mở rộng của FV. Ngoài 4 phòng khám hiện nay, ACC có kế hoạch tiếp tục nhân rộng mạng lưới tại các tỉnh thành tiềm năng. Việc sở hữu ACC sẽ là một sự bổ sung, mở rộng hệ sinh thái trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho FV, nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu về điều trị của người bệnh, giúp họ có thêm lựa chọn trong dịch vụ khám và điều trị.
Tổng giám đốc bệnh viện FV, kiêm tân Chủ tịch ACC, Jean-Marcel Guillon cho biết: Việc mua lại và sở hữu 100% hệ thống phòng khám ACC là bước ngoặt quan trọng của FV và khi ACC trở thành thành viên của FV sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 2006, ACC hiện phát triển được chuỗi 4 phòng khám ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và TP. Đà Nẵng. Hệ thống này cung cấp các dịch vụ như trị liệu thần kinh cột sống, chỉnh hình bàn chân bẹt, điều trị vẹo cột sống, phòng ngừa - điều trị chấn thương thể thao, trị liệu bằng tay, vật lý trị liệu... Mỗi năm phòng khám ACC tiếp nhận và điều trị thành công cho hàng chục ngàn bệnh nhân liên quan đến các bệnh: chấn thương thể thao, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa, tật bàn chân bẹt.