Xi măng: Tiêu thụ nội địa giảm, xuất khẩu tăng
Lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu
Theo Vụ vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), 8 tháng năm 2021, tiêu thụ xi măng đạt khoảng 70,77 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt khoảng 43,54 triệu tấn, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu ước đạt khoảng 27,23 triệu tấn, tăng tới 12% so với cùng kỳ. Hiện Trung Quốc, Philippines, Bangladesh là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng xi măng và clinker.
Theo VNCA, thị trường tiêu thụ cả nội địa và xuất khẩu vẫn ở mức trung bình khoảng 200 triệu tấn/năm. Tháng 8 và 8 tháng năm 2021 tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa giảm. Theo các doanh nghiệp, do tác động của đợt dịch lần thứ tư bùng phát, đặc biệt là các quy định về giãn cách xã hội tại Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác khiến không ít công trình xây dựng phải tạm dừng hoạt động. Số liệu của VNCA cho thấy, lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa ở các vùng trong tháng 8 đều giảm so với tháng 7. Đặc biệt, tổng lượng tiêu thụ xi măng tại miền Nam - khu vực chịu ảnh hưởng lớn đại dịch đã giảm tới 55,8% so với tháng 7.Đánh giá về hoạt động xuất khẩu, TS. Lương Đức Long, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho hay, sản lượng xuất khẩu xi măng tăng 12% là tín hiệu đáng mừng do tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu (EU), Canada, Mỹ, Trung Quốc đã trở lại hoạt động bình thường. Nhu cầu sử dụng xi măng tăng cao và giá xi măng tại các thị trường này cũng đang được điều chỉnh theo xu hướng tăng. Hơn nữa, xuất khẩu xi măng và clinker Việt Nam có sức cạnh tranh lớn nhờ lợi thế về đường biển.
Cần có chiến lược phát triển phù hợp
Dự báo tình hình dịch bệnh có thể được kiểm soát trong quý 4, giúp tái khởi động các dự án bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, thị trường xi măng trong nước sẽ bình ổn trở lại, thậm chí là tăng trưởng tốt. Do đó, để kích cầu tiêu thụ xi măng trong thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp xi măng đã đưa ra những chiến lược cụ thể như tiết giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm, tối ưu hóa hạ tầng logistic, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý giá bán, kênh phân phối, hóa đơn điện tử…
Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh đã linh hoạt chuyển hướng kinh doanh và nghiên cứu phát triển sản phẩm mới trên cơ sở tận dụng những lợi thế sẵn có. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, trong các chi phí đầu vào, mỗi năm Công ty thường mất khoảng 150 - 170 tỷ đồng để mua bao bì các loại. Vì thế, Công ty đang triển khai các bước để xây dựng dự án nhà máy Bao bì QNC với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng ngay tại khu vực nhà máy Xi măng Lam Thạch 1 đã cũ. Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp Công ty loại bỏ một dây chuyền cũ, tận dụng hiệu quả quỹ đất, giải quyết công việc cho gần 200 lao động dôi dư… từ đó tiết kiệm được chi phí đầu vào.
Còn tại Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn, với việc đầu tư công nghệ xử lý rác thải công nghiệp, bùn thải để thay thế một phần nguyên nhiên liệu trong sản xuất xi măng… không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tiết kiệm tài nguyên. Cùng với đó, Vicem Bút Sơn còn số hóa toàn bộ chuỗi tiêu thụ và logistics, hỗ trợ các hoạt động hỗ trợ khách hàng thuộc chuỗi tiêu thụ và đặt hàng qua ứng dụng trên điện thoại thông minh…
Hơn nữa, với mục tiêu hạn chế xuất khẩu tài nguyên không tái tạo, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ tăng thuế xuất khẩu đối với clinker từ mức hiện tại 5% lên 10%. Theo cơ quan này, tuy việc đẩy mạnh xuất khẩu xi măng và clinker có thể giúp ngành xi măng tận dụng được năng lực sản xuất trong nước, nhưng đây lại không phải giải pháp lâu dài và bền vững vì quá trình sản xuất 2 mặt hàng trên chủ yếu dựa trên việc khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo. Bên cạnh đó, việc tăng xuất khẩu sẽ làm cạn kiệt tài nguyên trong nước, gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường trong quá trình khai thác, đặc biệt khi sản xuất xi măng và clinker tại Việt Nam sử dụng điện với giá thấp.
Một vấn đề nữa cũng cần các doanh nghiệp xi măng cân nhắc, tính toán đó là đến năm 2023, xi măng xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển cần đáp ứng yêu cầu hàm lượng CO2 trong sản xuất xi măng ở mức thấp. Nếu hàm lượng CO2 trong sản xuất xi măng cao như hiện nay, doanh nghiệp sẽ phải chịu mức thuế cao hơn... Những vấn đề này cho thấy các doanh nghiệp xi măng muốn tồn tại và phát triển phải hướng đến sản xuất xanh và bền vững, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.
Theo Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam được Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2021-2030, chỉ đầu tư thêm các nhà máy xi có công suất từ 5.000 tấn clinker/ngày trở lên. Đến năm 2025, nhà máy xi măng công suất nhỏ hơn 2.500 tấn clinker/ngày bắt buộc phải đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Đồng thời, tỷ lệ sử dụng clinker trong sản xuất xi măng cũng phải giảm xuống. Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư các dây chuyền sản xuất xi măng tính đến năm 2030 là 24 dây chuyền, với tổng công suất 36,31 triệu tấn, đưa tổng công suất dự kiến của cả nước lên 140,35 triệu tấn/năm với tổng 109 dây chuyền sản xuất xi măng. |