Xây dựng thương hiệu tại thị trường EU: Doanh nghiệp phải “bắt tay” cùng làm thương hiệu
Thưa ông, thời gian qua, có một số tin vui cho nông sản Việt ở EU như gạo Lộc Trời với thương hiệu Cơm Việt Nam Rice đã xuất khẩu thành công vào chuỗi siêu thị của Pháp, quả vải tươi của Việt Nam xuất khẩu vào Séc và một số thị trường EU, cà phê Vĩnh Hiệp xuất khẩu sang EU… Hơn 3 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ông nhận định gì về những lợi thế mà Hiệp định mang lại cho hàng hoá Việt Nam, đặc biệt là nông sản?
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) |
Tôi cho rằng lợi thế lớn nhất mà EVFTA mang lại chính là mở cửa thị trường. Trong nhiều năm, EU chính là thị trường xuất khẩu hàng đầu của hàng hoá Việt Nam và cũng là thị trường chúng ta có thặng dư thương mại lớn. Thêm vào đó, trước khi có EVFTA, thuế EU với nhiều mặt hàng nông sản rất cao, lên đến 20%. Ví dụ gạo Việt Nam bị đánh thuế 200 Euro/tấn. Nhưng có EVFTA, tốc độ tăng trưởng thương mại vào thị trường này rất lớn khi thuế được hạ xuống.
Đáng chú ý, EVFTA có hiệu lực khi dịch Covid-19 bùng phát xảy ra, nhưng tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này là rất lớn, năm 2020 là 4%, hai năm sau tăng trưởng 2 con số. Do đó, lợi ích lớn nhất của EVFTA là mang lại cơ hội để hàng hoá Việt Nam thâm nhập vào EU thuận lợi. Đây là lợi thế mà ta có được so với nhiều đối thủ khác tại thị trường EU.
Sau hơn 2 năm EVFTA có hiệu lực, nhiều ý kiến cho rằng nông sản Việt Nam dù gia tăng lượng xuất khẩu sang EU song vẫn chưa có nhiều thương hiệu được biết đến. Ông nhận định gì về thực trạng xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt tại thị trường này?
Tôi đã gặp nhiều doanh nghiệp nông sản, từ gạo đến thuỷ sản ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Có thể nhận thấy, đối với ngành nông sản, nhiều tấm gương về thương hiệu đã được xây dựng thành công như Lộc Trời, Trung An, Vĩnh Hiệp, Phúc Sinh… Đây là những thương hiệu cần được xây dựng nhiều hơn nữa bởi hiện nay, số lượng không nhiều.
Có thể nói, xây dựng được một thương hiệu ở Việt Nam đã khó, xây dựng thương hiệu ở EU còn khó hơn nhiều lần. Dưới góc độ cá nhân, tôi cho rằng để có được thương hiệu phải có sự quyết tâm. Ví dụ như Lộc Trời phải rất tâm huyết mới đưa được thương hiệu của mình đến Pháp dưới cái tên Cơm Vietnam Rice.
Thương hiệu Cơm Vietnam Rice của Lộc Trời được bán tại siêu thị của Pháp |
Hiện nay, thực trạng chung là hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chấp nhận làm gia công để nhàn hơn, an phận hơn. Họ cho rằng như thế là đủ. Bên cạnh đó, hiện nay không có nhiều doanh nghiệp như Lộc Trời có tiềm lực, có vùng nguyên liệu lớn, có quy trình canh tác bài bản, quy trình sản xuất bài bản để có được những sản phẩm tốt và có sức cạnh tranh.
Mặt khác, kể cả có muốn, có công nghệ, có tiền nhưng để vào EU được thì phải có được những mối quan hệ riêng. Bởi tâm lý chung của nhà nhập khẩu là họ muốn dùng thương hiệu riêng chứ không cổ vũ cho việc một thương hiệu của một quốc gia khác vào được thị trường của mình. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn ngồi chờ nhà nhập khẩu đến đặt hàng thì rất khó để có thể có được thương hiệu.
Trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen như vậy, Bộ Công Thương đã có những giải pháp ra sao để hỗ trợ cho nông sản Việt xuất khẩu sang EU tận dụng được tốt nhất ưu đãi từ EVFTA? Đặc biệt là trong vấn đề xây dựng thương hiệu, thưa ông?
Đây là 1 giải pháp tổng thể. Đầu tiên, với tư cách là cơ quan được Chính phủ giao về đầu mối đàm phán và thực thi các FTA, vừa rồi chúng tôi có báo cáo tổng kết thực thi 3 hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Chúng tôi cũng xây dựng báo cáo dựa trên báo cáo của 63 tỉnh thành, 23 bộ ngành và chúng tôi tổng hợp các vấn đề tồn tại khi xuất khẩu sang EU, những tồn tại khi tận dụng EVFTA và đề xuất các giải pháp tổng thể từ tuyên truyền, xây dựng thương hiệu, thống kê… Báo cáo đó sau khi xin ý kiến các bộ ngành, địa phương thì sẽ trình Chính phủ.
Đối với thúc đẩy xuất khẩu sang EU, ta đã nói rất nhiều và có một số chuyện cần tập trung.
Thứ nhất là phải kết nối lại, xây dựng hệ sinh thái kết nối chủ thể trong EVFTA, từ các doanh nghiệp, cơ quan, địa phương, ngân hàng, tổ chức tư vấn, doanh nghiệp logistics, các bộ ngành liên quan… Việc xây dựng chuỗi kết nối này đã có nhưng chưa toàn diện, ví dụ hiệp hội kết nối doanh nghiệp nhưng lại chưa có sự kết nối với địa phương, bộ ngành… Do đó phải xây dựng lại chuỗi kết nối để có sự kết nối chặt chẽ hơn.
Thứ hai, cái khó của doanh nghiệp hiện nay chính là vốn, tín dụng. Phải làm thế nào để xây dựng được nguồn tín dụng thuận lợi hơn. Không phải là giảm lãi suất mà có các nguồn tín dụng ưu đãi dành cho xây dựng thương hiệu, cho các doanh nghiệp làm ăn bài bản, từ đó sẽ tạo điều kiện lớn cho doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất và xây dựng thương hiệu. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ làm việc với các bộ ngành để có nguồn tín dụng tốt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng tốt EVFTA để xây dựng thương hiệu.
Cuối cùng là tổ chức các buổi toạ đàm. Thay vì các hội nghị lớn, nơi các doanh nghiệp chưa có sự kết nối riêng với nhau để nói được những gì họ muốn thì chúng tôi sẽ có những buổi toạ đàm với phạm vi hẹp hơn để cùng chia sẻ, lắng nghe nhau, đi vào các vấn đề doanh nghiệp cần, doanh nghiệp muốn. Đây sẽ là điều mà Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới.
Ông có những khuyến cáo gì với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản để xây dựng thương hiệu, tận dụng tốt nhất hiệu quả mà EVFTA mang lại thời gian tới?
Thứ nhất, phải khẳng định xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp là điều rất quan trọng. Thời gian qua, chúng ta có gạo, cà phê, hồ tiêu… nổi tiếng, xuất khẩu đứng đầu thế giới nhưng doanh nghiệp được lợi bao nhiêu? Vừa rồi giá gạo lên cao nhưng doanh nghiệp xuất khẩu hầu như không được lợi nhiều.
Nhưng khi gạo của ta có thương hiệu thì khác. Ví dụ gạo Trung An bán 1000 USD/tấn, Lộc Trời bán 1.500 USD, cao gấp đôi, gấp ba so với giá gạo xuất khẩu bình quân. Từ đó họ có được lợi nhuận cao hơn.
Vậy thì doanh nghiệp đừng chỉ hài lòng với gì chúng ta có. Ta bán được 10 đồng thì phải mang về 8 đồng chứ không phải hài lòng chỉ với 1-2 đồng gia công. Làm thương hiệu không dễ nhưng nếu đã muốn thì ta sẽ có cách để làm.
Để làm được thương hiệu, các doanh nghiệp cần phải ngồi lại, bàn bạc với nhau, trao đổi với nhau rằng muốn xây dựng thương hiệu thì ta phải làm gì? Doanh nghiệp cùng lao ra rồi cạnh tranh với nhau về giá thì không được. Hoặc hàng loạt doanh nghiệp nhỏ cùng làm thương hiệu thì sẽ không khả quan.
Cho nên doanh nghiệp phải ngồi với nhau để kết nối cùng làm thương hiệu. Phải có các doanh nghiệp lớn đứng ra làm đầu tàu kết nối, có các hợp đồng để từ người nông dân cũng bắt tay cùng làm thương hiệu thì mới có thể làm được.
Xin cảm ơn ông!