Quy định chống phá rừng của EU được Nghị viện thông qua ngày 29/6/2023 và có hiệu lực vào tháng 12/2024 đối với các doanh nghiệp lớn và áp dụng từ 30/6/2025 với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, ngày 2/10/2024, cơ quan này đã công bố đề xuất hoãn thực thi Quy định chống phá rừng. Theo dự kiến mới, Quy định này sẽ bắt đầu thực thi vào tháng 1/2025 đối với các doanh nghiệp lớn.
Phạm vi hàng hóa sản xuất chịu sự điều chỉnh của Quy định này gồm: gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và một số sản phẩm có nguồn gốc từ các hàng hóa nêu trên. Theo quy định, bất kỳ nhà khai thác hoặc thương nhân nào đưa các mặt hàng này vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường này phải chứng minh rằng các sản phẩm không có nguồn gốc từ đất rừng bị phá gần đây hoặc góp phần làm suy thoái rừng.
Quy định nhằm giải quyết việc phá rừng, suy thoái rừng, và bảo tồn rừng để giảm lượng khí thải carbon và mất đa dạng sinh học.
Trong các nhóm mặt hàng chịu sự điều chỉnh của Quy định chống phá rừng, Việt Nam có 3 nhóm hàng bị tác động chính, đó là gỗ, cao su và cà phê. Trong đó, cà phê chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì chiếm 55% kim ngạch xuất khẩu, khoảng hơn 1,1 tỷ USD; tiếp đến là mặt hàng gỗ (636 triệu USD); cao su (252 triệu USD).
Ngay từ khi Quy định chống phá rừng EU được thông qua, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của quy định này. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở trong nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu của Quy định. Một số doanh nghiệp còn chưa nắm rõ các quy định và không có đủ nguồn lực để triển khai hệ thống quản lý hiệu quả.
Sáng ngày 14/11, Báo Công Thương sẽ tổ chức Tọa đàm 'Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) – Doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị gì khi đến ngày thực thi?' |
Từ thực tế trên, Báo Công Thương tổ chức Tọa đàm "Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) – Doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị gì khi đến ngày thực thi?" nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất để giúp các doanh nghiệp thay đổi và thích ứng tốt hơn nữa với Quy định chống phá rừng của EU.
Các vị khách mời, diễn giả tham gia cùng Tọa đàm bao gồm:
- Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phan Thị Vân - Giám đốc chương trình/Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững IDH Việt Nam
- Ông Phạm Thắng - Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê-Cacao Việt Nam
- Đào Thị Thu Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai
Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Tọa đàm...